Thúc đẩy hợp tác giữa Thừa Thiên-Huế và các địa phương của Nhật

Thừa Thiên-Huế là địa phương có mối quan hệ hợp tác toàn diện với Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực như phòng chống thiên tai, bảo tồn các di sản, giao thông, cấp nước, giáo dục, y tế.
Thúc đẩy hợp tác giữa Thừa Thiên-Huế và các địa phương của Nhật ảnh 1Khách du lịch Nhật Bản tham qua chùa Thiên Mụ, địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Thừa Thiên-Huế là địa phương có mối quan hệ hợp tác toàn diện với Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực như phòng chống thiên tai, bảo tồn các di sản, giao thông, cấp nước, giáo dục, y tế.

Tỉnh có quan hệ hợp tác với nhiều địa phương của Nhật Bản như tỉnh Nara, phủ Kyoto, tỉnh Gifu, đặc biệt là trên các lĩnh vực du lịch, giáo dục đào tạo, đầu tư, thương mại...

Hiện nay, Thừa Thiên-Huế đang xúc tiến một số hoạt động hợp tác với tỉnh Gifu, thành phố Takayama; thúc đẩy giao lưu văn hóa, hữu nghị nhân dân, tổ chức homestay giữa Thừa Thiên-Huế với phủ Kyoto, tỉnh Nara và một số địa phương khác của Nhật Bản. Việc mở rộng hợp tác giữa thành phố Huế và thành phố Takayama nhằm học hỏi quy trình quản lý và phát triển du lịch, vốn là một lĩnh vực mà Nhật Bản rất phát triển và có nhiều kinh nghiệm.

Nhật Bản hiện là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam nói chung, Thừa Thiên-Huế nói riêng, trong đó có sáu dự án lớn với kinh phí hơn 500 triệu USD. Tiêu biểu như dự án "Nâng cấp năng lực thích ứng với thiên tai ở miền Trung" (2009-2012) gồm có Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi; dự án "Xây dựng xã hội thích ứng với thiên tai (giai đoạn 2) - tiểu dự án tại Thừa Thiên-Huế" từ tháng 9/2013-7/2016 do JICA tài trợ; dự án "Cải thiện môi trường nước thành phố Huế" giai đoạn 1 do JICA tài trợ; dự án "Quản lý cấp nước an toàn Việt Nam-Nhật Bản"...

Thúc đẩy hợp tác giữa Thừa Thiên-Huế và các địa phương của Nhật ảnh 2Thi công dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế giai đoạn 1 do JICA tài trợ. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Đối với lĩnh vực du lịch, bảo tồn-trùng tu di sản, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết thời gian qua, hợp tác du lịch Việt Nam-Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ. Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại Nhật Bản như tham gia Hội chợ du lịch quốc tế JATA được tổ chức thường niên tại Tokyo; tham gia lễ hội văn hóa du lịch do Trung tâm ASEAN-Nhật Bản tổ chức; phối hợp với Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines tổ chức những roadshow lớn tại ba thành phố của Nhật Bản là Osaka, Nagoya và Tokyo; phối hợp tổ chức lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản; xây dựng website quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam bằng tiếng Nhật.

Về bảo tồn di sản, Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên-Huế trong việc bảo tồn, phục dựng các công trình kiến trúc cung điện, lăng tẩm của kinh thành Huế. Trong đó, Viện nghiên cứu di sản thế giới UNESCO - Đại học Waseda là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế để nghiên cứu, bảo tồn các công trình di tích Huế.

Năm qua, Đại học Waseda tiếp tục cử nhóm nghiên cứu khảo sát tại Lăng Gia Long và các vùng phụ cận để tiếp nối những kết quả nghiên cứu trước đây nhằm đưa ra các đề xuất hướng dẫn dự kiến cho việc bảo tồn, tái sinh hệ thống sinh thái lịch sử tại những ngôi làng lân cận các lăng mộ triều Nguyễn.

Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho việc chuyển giao công nghệ và nghiên cứu phục hồi đối với tỉnh Thừa Thiên-Huế. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện Di sản Thế giới UNESCO Heritage, Đại học Waseda, Đại học Nữ Chiêu Hòa, Đại học Kyoto (Nhật Bản) nghiên cứu bảo tồn di tích Huế và dự án phục nguyên điện Cần Chánh, một công trình kiến trúc tiêu biểu của triều Nguyễn nằm trong khu vực Hoàng thành Huế.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có bảy dự án FDI của Nhật Bản đang hoạt động với tổng vốn đăng ký 30,4 triệu USD. Các dự án này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, may mặc, công nghệ thông tin, cơ khí chính xác. Một số dự án đã đi vào hoạt động và có hiệu quả như dự án sản xuất rượu Sake và rượu trắng Nhật Bản của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thực phẩm Huế và Công ty trách nhiệm hữu hạn Saita đã hoạt động trên 20 năm tại Thừa Thiên-Huế, doanh thu hàng năm đạt 1,77 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước 799.000 USD; dự án may mặc của Công ty trách nhiệm hữu hạn MSV giải quyết cho hơn 1.000 lao động; dự án công nghệ thông tin của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Brycen mới đi vào hoạt động năm 2013, giải quyết cho trên 100 lao động...

Gần đây nhất, các tình nguyện viên Nhật Bản trong chương trình phối hợp giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đến làm việc tại Sở Du lịch tỉnh này, góp phần tích cực cho công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh Thừa Thiên-Huế đến với du khách Nhật Bản. Do đó, thị trường khách du lịch Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm của ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, từ năm 2010-2015, số lượng khách du lịch Nhật Bản đến Thừa Thiên-Huế tăng trưởng ổn định; riêng năm 2016 đã thu hút được 25.118 lượt khách (chiếm 4,14%), xếp thứ 8 về lượng du khách quốc tế đến Huế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục