Thúc đẩy ký các hiệp định song phương về lao động và bảo hiểm xã hội

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết sẽ tăng cường ký kết các hiệp định song phương về lao động, việc làm, an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội với Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản.... trong thời gian tới.
Trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam dự kiến nghiên cứu đề xuất gia nhập thêm 15 công ước của ILO nhằm thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế ở Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam dự kiến nghiên cứu đề xuất gia nhập thêm 15 công ước của ILO nhằm thúc đẩy các tiêu chuẩn lao động quốc tế ở Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một trong những hoạt động đối ngoại nổi bật của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội chính là việc thực hiện các cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy ký kết các hiệp định hợp tác về lao động, an sinh xã hội... Phát triển các hoạt động đối ngoại này đã góp phần quan trọng tạo nên thành công của hội nhập kinh tế quốc tế.

Tích cực huy động nguồn lực quốc tế

Trong suốt những năm qua, hoạt động đối ngoại của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đa dạng, phong phú và diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ giải quyết các vấn đề xã hội đến các vấn đề lao động việc làm, nguồn nhân lực. Hoạt động đối ngoại diễn ra trên tất cả các kênh hợp tác: Song phương, đa phương và hợp tác với các tố chức phi chính phủ nước ngoài.

Trong quan hệ song phương, hợp tác về phát triển nguồn nhân lực và phát triển thị trường lao động ngoài nước là các ưu tiên. Trong đối ngoại đa phương, việc tham gia các công ước quốc tế cơ bản, nhất là các công ước của Liên hợp quốc và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Công tác đối ngoại còn đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực quốc tế trong xây dựng và thực hiện chính sách hựớng tới phát triển bền vững gồm các nguồn hỗ trợ nhân đạo, từ thiện cho các đối tượng yếu thế và hỗ trợ kỹ thuật hoàn thiện thể chế, góp phần không nhỏ vào thực hiện chính sách an sinh xã hội, phát triển cộng đồng.

[Đối ngoại nhân dân góp phần quan trọng vào sức mạnh của ngoại giao VN]

Với những thành tựu trong những năm qua về giảm nghèo và bình đẳng giới, đảm bảo quyền con người, vị thế của Việt Nam tại diễn đàn đa phương,và quan hệ song phương đã được nâng cao hơn, được đánh giá cao thông qua các cuộc chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm.

Trên cơ sở đó, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đang có xu hướng hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề xã hội chung đang diễn ra ở Việt Nam như già hóa dân số, di cư lao động... Mặt khác, sự nỗ lực tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế chung thông qua các sáng kiến, kinh nghiệm trong nước đã tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam.

Theo lãnh đạo Bộ Lao đông-Thương binh và Xã hội, việc tham gia tích cực của Việt Nam vào các cam kết quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội, nhất là các công ước Liên hợp quốc tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy các nguồn lực quốc tế. Đây là hỗ trợ kỹ thuật quan trọng cho việc xây dựng, thực hiện các chính sách lao động-xã hội và thúc đẩy phát triển nội tại để đáp ứng các tiêu chuẩn chung của quốc tế.

Thực hiện đầy đủ các hiệp định, cam kết quốc tế

Lãnh đạo Bộ Lao đông-Thương binh và Xã hội cho biết trong thời gian tới cơ quan này sẽ tăng cường hợp tác song phương với các đối tác truyền thống gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Australia... về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, an sinh xã hội. Các thỏa thuận hợp tác đã ký kết sẽ được tăng cường thực hiện hiệu quả, song song với đó là thúc đẩy ký kết các hiệp định về bảo hiểm xã hội với Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản và các nước có nhiều lao động Việt Nam đang làm việc.

Thúc đẩy ký các hiệp định song phương về lao động và bảo hiểm xã hội ảnh 1Việt Nam và Hàn Quốc ký hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên cạnh họp tác song phương, đối ngoại đa phương cũng sẽ được nâng cao qua việc huy động hỗ trợ tài chính và kỹ thuật trong việc hoàn thiện và triển khai luật pháp, chính sách; đặc biệt chú trọng hợp tác với ILO trong việc triển khai chương trình việc làm thỏa đáng, nghiên cứu gia nhập các công ước quốc tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; sử dụng hiệu quả vốn vay ODA trong các dự án đầu tư cần sử dụng vốn lớn như trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tận dụng các nguồn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để thực hiện chính sách, đặc biệt là các chính sách về giảm nghèo, an sinh xã hội, tập trung trước hết vào các nhóm yếu thế trong xã hội.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm về hoạt động đối ngoại của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong thời gian tới là tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập sâu, rộng trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là thực hiện các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; thực hiện cam kết về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do EVFTA và CPTPP và các hiệp định thương mại tự do khác.

Để thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN và các cơ chế hợp tác về lao động, phúc lợi xã hội, phụ nữ, trẻ em ASEAN, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đưa ra các sáng kiến và thúc đẩy thực hiện các sáng kiến trong khu vực. Bên cạnh đó, công tác thông tin đối ngoại, nhất là thông tin về các thành tựu của Việt Nam về giảm nghèo, bình đẳng giới và đảm bảo các quyền con người trong lĩnh vực lao động và xã hội sẽ được đẩy mạnh nhằm khẳng định, quảng bá và nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục