Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản ở Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Thu mua lúa gạo tạm trữ ở tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Ngày 5/8, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 2,96%, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2013.

Để tốc độ tăng trưởng đạt mức 3,29% vào cuối năm theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, 6 tháng còn lại năm 2014, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp phải đạt 3,65%.

Tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp của cả nước chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long như sản xuất lúa vụ Thu Đông và lúa Mùa, phát triển thủy sản và chăn nuôi gia súc gia cầm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương hỗ trợ nông dân gia tăng sản xuất có hiệu quả và bền vững để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng cho ngành nông nghiệp. Theo đó, vấn đề giải quyết công ăn việc, tăng thu nhập cho người dân cần được thực hiện tốt.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương phải đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong vùng, trong đó tập trung chuyển đổi cây trồng vật nuôi như phát triển cây ngô, hoa màu có giá trị kinh tế cao hơn cây lúa.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận tình hình xuất khẩu gạo, triển khai Nghị định 36 của Thủ tướng Chính phủ về sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra. Ngoài ra, những thuận lợi, khó khăn trong xuất khẩu thủy sản, giải pháp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ các loại nông sản trong thời gian tới được đề cập.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích gieo cấy các vụ lúa trong năm 2014 toàn vùng ước đạt trên 4,2 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt trên 25 triệu tấn, tăng 510.000 tấn so với năm 2013.

Sau khi trừ tiêu thụ nội địa, sản lượng lúa hàng hóa xuất khẩu dự kiến năm 2014 là 16 triệu tấn, tương đương với khoảng 8 triệu tấn gạo.

Tính đến 31/7, các đơn vị đã ký hợp đồng xuất khẩu hơn 5,7 triệu tấn gạo, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Hiện, nhiều doanh nghiệp tập trung thu gom nguyên liệu chế biến, xuất khẩu làm tăng giá thu mua lúa trong dân.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần xem xét lại sản lượng lúa gạo tồn kho trong dân và các nhà máy. Bởi thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đang tìm mua lúa để xuất khẩu nhưng rất khó. Bình quân, lượng gạo thu mua được mỗi ngày khoảng 7.000 tấn. Giá lúa, gạo trong nước hiện nay đã cao hơn giá thế giới. Dự báo nhu cầu lúa gạo trong nước và thế giới năm nay cũng sẽ khan hiếm giống như năm 2008.

Đối với mặt hàng thủy sản như tôm và cá tra, từ đầu năm đến nay đã có bước phát triển khá tốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 3,61 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ, trong đó các mặt hàng tôm tăng mạnh nhất.

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, với mặt hàng cá tra xuất khẩu, giá thu mua hiện vẫn cao hơn cùng kỳ nhiều năm. Dự báo tình hình sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu cá tra thời gian tới sẽ ổn định, phát triển trở lại nhờ triển khai thực hiện Nghị định 36 của Thủ tướng Chính phủ cũng như các chính sách hỗ trợ cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục