Thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ ở người thiểu số

Hội thảo “Triển khai xây dựng khung kế hoạch hành động thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ ở vùng dân tộc thiểu số,” tổ chức 8/10, ở Hà Nội.
Thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ ở người thiểu số ảnh 1Đồng bào Vân Kiều chăm sóc cây càphê - phát triển kinh tế gia đình. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ngày 8/10, tại Hà Nội, cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc Chính phủ tổ chức hội thảo “Triển khai xây dựng khung kế hoạch hành động thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ ở vùng dân tộc thiểu số.”

Phát biểu tại hội thảo, ông Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng kể trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ nhưng vẫn còn có khoảng cách chênh lệch giữa nhóm đồng bào dân tộc thiểu số so với nhóm dân tộc Kinh hay giữa các vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống so với các vùng đồng bằng, đô thị.

Ông Sơn Phước Hoan nói: “Nếu không có nỗ lực vượt bậc, rất nhiều khả năng Việt Nam sẽ không thể đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ cho các vùng và nhóm dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số.”

Theo bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam, xây dựng Khung kế hoạch hành động thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở vùng dân tộc thiểu số là công cụ lập kế hoạch bài bản cho phép đặt mục tiêu cụ thể, xác định rõ các khó khăn, hỗ trợ xếp loại ưu tiên về các giải pháp và nguồn lực sẵn có để thực hiện một cách khả thi các mục tiêu đặt ra.

kế hoạch này sẽ giúp Việt Nam tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình và chiến lược quốc gia hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến cho đề cương Khung kế hoạch thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ ở vùng dân tộc thiểu số, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn và đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Cụ thể, chương trình xóa bỏ nghèo đã có nhiều chính sách giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng còn manh mún, chồng chéo, vì thế cần sắp xếp lại các chính sách giảm nghèo cho phù hợp.

Phổ cập giáo dục tiểu học cần cân nhắc đầu tư trọng điểm cho giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số thay vì đầu tư dàn trải trên một phạm vi rộng.

Dạy tiếng phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số là cần thiết và cần tiếp tục đẩy mạnh, tăng cơ sở vật chất cho các lớp ghép thôn bản để vừa đáp ứng mục tiêu huy động trẻ đến trường vừa nâng cao chất lượng giáo dục, tăng đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần củng cố hệ thống cơ sở dữ liệu tốt hơn về yếu tố giới, đưa yếu tố giới vào các chương trình liên quan đến hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường các hỗ trợ đảm bảo sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số, thực hành tốt về dinh dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cấp cơ sở...

Để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đưa sinh kế lâm nghiệp thực sự trở thành nguồn thu nhập đáng kể, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt giao đất, giao rừng, nghiên cứu quy hoạch vùng sản xuất và dân cư phù hợp, phát triển hệ thống canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục