Chương VI dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã bổ sung các quy định về phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt, trong đó quy định rõ tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để thuận lợi cho việc tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý; khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng....
Việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông nhằm thúc đẩy thị trường tái chế, xử lý chất thải.
Xung quanh vấn đề này, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, hiện chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều, nhưng hầu như chưa được phân loại tại nguồn để tận dụng được các thành phần có ích trong chất thải, đồng thời giảm được khối lượng phải thu gom, xử lý tập trung.
Mặc dù thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện phân loại thí điểm theo nhiều cách khác nhau, nhưng chưa thành công do thiếu đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy chất thải rắn sinh hoạt phát sinh.
Dự thảo Luật đã quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành các nhóm chất thải rắn có khả năng tái chế như chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy; giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh; chất thải cồng kềnh; chất thải nguy hại; chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.
Đặc biệt, dự thảo Luật không quy định bắt buộc phân loại thành các loại trên phạm vi toàn quốc mà giao Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết.
Quy định này một mặt vẫn thực hiện được mục tiêu là phân loại chất thải tại nguồn, mặt khác giúp cho việc phân loại tại các địa phương phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội và công nghệ xử lý đang áp dụng.
Tuy vậy, để việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn khả thi và đi vào cuộc sống, cần phải có cơ sở hạ tầng, bố trí nguồn lực đồng bộ phù hợp, tránh đi vào vết xe đổ của địa phương đã triển khai thí điểm trước đây.
Khi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), cần quy định rõ lộ trình và cơ chế thực hiện để đảm bảo tính thống nhất trên cả nước, đồng thời vẫn phù hợp với điều kiện của các địa phương.
Về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn vẫn đang gặp nhiều bất cập do việc đầu tư trong công tác quản lý chất thải nói chung, trong đó có việc đầu tư cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt nông thôn nói riêng chưa được quan tâm đúng mức.
[Vụ đốt rác thải điện tử ở Vĩnh Phúc: Bộ Tài nguyên Môi trường nói gì?]
Việc quy hoạch cũng không hợp lý dẫn đến tình trạng mỗi xã có một bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, hầu hết là đổ đống hở, không có chống thấm, không có biện pháp thu gom, xử lý nước rỉ rác, mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống ở khu vực lân cận.
Nhiều địa phương cấp xã đã đầu tư lò đốt chất thải rắn sinh hoạt nông thôn nhưng hầu hết không đáp ứng yêu cầu tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 61:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt.
Công suất lò đốt còn nhỏ hơn 300 kg/h, hệ thống xử lý khí thải không có hoặc có nhưng không đạt quy chuẩn. Một số ít lò đốt đáp ứng yêu cầu theo quy chuẩn nhưng hoạt động không ổn định do trình độ vận hành của các công nhân còn yếu, không tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật.
Dự thảo Luật đã đưa ra được những quy định chung về quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, đồng thời cũng đưa ra những quy định riêng đối với khu vực đô thị và khu vực nông thôn.
Theo đó, hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định có thể tận dụng chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ dễ phân hủy khác làm phân compost, thức ăn chăn nuôi, tận dụng được tài nguyên từ chất thải.
Trường hợp không thực hiện theo quy định nêu trên thì phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Với chất thải rắn sinh hoạt nông thôn không có quy định liên quan đến phân loại chất thải cồng kềnh như đối với khu vực đô thị là hợp lý căn cứ vào điều kiện khu vực nông thôn có thể tái sử dụng.
Dự thảo Luật cũng không khuyến khích đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt có phạm vi phục vụ trên địa bàn một xã mà khuyến khích xã hội hóa đầu tư các dự án quy mô lớn đáp ứng nhu cầu.
Để hiện thực hóa Chính phủ hoặc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cần quy định chi tiết đơn giá phù hợp nhằm thu hút thành phần kinh tế tư nhân./.