Thúc đẩy xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp

Hội thảo Đề án Quốc gia 191 khẳng định sự cần thiết của việc thúc đẩy xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, website cho doanh nghiệp.
Hội thảo Đề án Quốc gia 191 "Tăng cường giá trị xuất khẩu - Thương hiệu cho ngành nông thủy sản" ngày 23/10, tại An Giang đã khẳng định sự cần thiết của việc thúc đẩy xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, website cho các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển trong thời gian tới.

Hội thảo do Bộ Thông tin - Truyền thông, Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Thương mại, Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam... đồng tổ chức.

Các ý kiến tham luận xoay quanh định hướng và chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng thương hiệu.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - đại diện cho Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, vai trò của Đề án Quốc gia 191 với việc phát triển thương hiệu cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là rất cần thiết và có nhiều lợi thế, bởi Việt Nam có điều kiện thiên nhiên địa lý vùng miền, có đặc sản riêng rất phong phú đa dạng để xuất khẩu...

Vì vậy các doanh nghiệp khi đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài cần lưu ý về Hiệp ước Paris và Hiệp ước Marid sẽ rút ngắn thời gian và đảm bảo an toàn cho sản phẩm nhãn hiệu, thương hiệu.

Các báo cáo tham luận còn nhấn mạnh vai trò và lợi ích của thương mại điện tử trong xây dựng thương hiệu, giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, thương hiệu ra thị trường trong nước và quốc tế với chi phí thấp nhất. Với một nội dung website tốt còn nâng cao uy tín và giá trị cho thương hiệu, thu hút khách hàng.

Đại diện của Vasep cũng cho rằng, xuất khẩu thủy sản trong thời gian qua và sắp tới của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, trong khi đó tiềm năng của Việt nam còn rất lớn, nhất là sau cá tra còn có con tôm, nhưng hiện nay chỉ dừng ở việc cung cấp nguyên liệu cho chế biến, chưa có yếu tố cạnh tranh, vì vậy việc xây dựng thương hiệu chứng nhận, thương hiệu tập thể là cần thiết để đảm bảo cho chất lượng thực tế của sản phẩm...

Theo ông Hoàng Huy Hà - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, hiện nay, hệ thống ngân hàng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long xúc tiến xây dựng kho chứa lúa gạo, đổi mới và ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá thương hiệu ra nước ngoài với lãi suất thấp... đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng trong đó còn rất cần có vai trò của cơ quan nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục