Thực hư chuyện cáp treo đưa người vượt sông tại Đông Anh

Xung quanh câu chuyện cáp treo tự chế vượt sông Hồng tại thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội, có rất nhiều nghi vấn đang được đặt ra.
Thực hư chuyện cáp treo đưa người vượt sông tại Đông Anh ảnh 1Một cáp treo đắp chiếu tại xã Đại Mạch (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Mặc dù trên địa bàn xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội có tới 3 điểm người dân lập cáp treo bắc sang bãi bồi sông Hồng, nhưng vị Phó Chủ tịch xã vẫn khẳng định chắc nịch con số 2.

Ngạc nhiên hơn, căn cứ theo những văn bản được lưu giữ tại Ủy ban Nhân dân xã này, các cáp này đều thuộc dạng công trình xây dựng sai phép và buộc phải phá dỡ, nhưng vẫn hiên ngang tồn tại gần 1 năm qua.

Xôn xao cáp treo tự chế vượt sông Hồng

Thời gian gần đây, dư luận Hà Nội đang rất xôn xao trước đoạn video clip được đăng tải trên nhiều trang báo mạng ghi lại hình ảnh người dân xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội sử dụng hệ thống cáp treo tự chế để vượt một khúc của sông Hồng.

Theo video clip nói trên, để sang bãi bồi bên kia sông, người dân đã ngồi trên một tấm ván lớn được treo trên hệ thống dây cáp được bắc từ bờ bên này sang. Cáp được vận hành bởi một động cơ được chế lại từ một chiếc xe máy cũ, truyền lực qua ròng rọc. Khi có người qua sông, người vận hành chỉ việc đạp nổ động cơ, vào số, ga như xe máy...

Để tìm hiểu rõ thực hư sự việc, phóng viên Vietnam+ đã trực tiếp về xã Đại Mạch, Đông Anh. Tuy nhiên, vào thời điểm chiều ngày 21/8, toàn bộ hệ thống các cáp treo tự chế của người dân đều đã bị tháo dỡ một phần.

Thực hư chuyện cáp treo đưa người vượt sông tại Đông Anh ảnh 2Hệ thống máy chạy cáp. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Tại mảnh đất phía trước nhà ông Trần Văn Dưa (thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, Đông Anh), một sợi cáp đã được chủ nhân tạm thời hạ xuống. Động cơ cũng bị đắp chiếu, xích truyền lực gỡ ra khỏi các bánh răng.

Chỉ tay vào “bộ máy” vốn đã vận hành suốt một năm qua, nay nằm im lìm, ông Dưa cho hay: “Sau khi báo chí phản ánh về việc cáp có đưa người qua sông, Ủy ban Nhân dân xã đã yêu cầu chúng tôi phải tạm dừng mọi hoạt động, kể cả việc chuyên chở hàng hóa giữa hai bờ.”

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại cáp tự chế đặt tại nhà anh Cao Văn Nghĩa cách đó không xa.

Những người dân thôn Mai Châu cho hay, sự ra đời của hệ thống cáp tự chế vốn để phục vụ cho việc vận chuyển nông phẩm, phân bón giữa hai bờ cho thuận tiện, tiết kiệm sức lực, đảm bảo chất lượng cũng như năng suất.

“Trước kia, vào khoảng 8 giờ sáng hàng ngày, lượng nông phẩm và phân bón được vận chuyển khá lớn, đặc biệt vào vụ thu hoạch chuối,” một người dân khẳng định với phóng viên.

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc liệu có chuyện cáp treo này chở người qua sông hay không thì phóng viên chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Kỳ lạ là, cách đó chỉ chừng vài ngày, nhiều người dân Mai Châu vẫn khẳng định chắc như đình đóng cột về “tiện ích” chở người.

Bà Nguyễn Thị H. (trú tại xóm 4, thôn Hải Bối, xã Hải Bối) thậm chí còn kể lại cảm giác của mình khi đi bằng cáp như sau: “Mới đầu đi các cô sợ lắm vì chưa đi như thế bao giờ, cứ nhắm mắt để sang.”

Bà H. còn so sánh: “Các cô cảm thấy đi thuyền không an toàn mà còn quá ư hao tổn sức khỏe. Đi trên tời an toàn hơn vì đi trên thuyền có xoáy dòng, có khi bơi ở bờ bên này sang đối diện đã bị trôi cách hàng cây số.”

Ngay cả vợ ông Dưa, chủ nhân của một chiếc cáp tự chế, trước khi có sự cố “tạm dừng” cũng khẳng định: Đi nhiều lần sẽ quen.

Một người phụ nữ thậm chí còn cho biết: Chính quyền cũng biết việc tồn tại hệ thống cáp này và cũng “đã đi thử.”

Xuất hiện nhiều nghi vấn

Để rộng đường dư luận, phóng viên Vietnam+ đã có buổi làm việc với ông Vương Ngọc Chi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Trong suốt cuộc trao đổi, ông Chi luôn khẳng định: Việc người dân làm cáp tời để phục vụ sản xuất là sáng kiến rất tốt. Thậm chí, vị Phó chủ tịch xã còn nhấn mạnh: “Ai làm ra [loại cáp tời này-PV] rất đáng được biểu dương.”

Ông Chi cũng dẫn ra một loạt bằng chứng khẳng định hiệu quả kinh tế không thể chối cãi của hình thức vận chuyển trên, đồng thời chắc nịch: “không có chuyện người dân chở người qua sông bằng cáp.”

“Khi người dân xây dựng cáp không báo cho chính quyền. Tuy nhiên khi phát hiện vào cuối năm 2013, chúng tôi đã cho anh em công an xã xuống kiểm tra, yêu cầu gia đình cam kết không chở người đồng thời cũng gửi thông báo với nội dung tương tự,” Phó Chủ tịch xã Đại Mạch trao đổi.

Khi phóng viên tỏ ra hồ nghi về việc khẳng định là “không chở người là chưa có đủ cơ sở” thì ông Chi cho rằng: “Về mặt quản lý nhà nước, xã đã có văn bản thông báo, cam kết rồi. Chúng tôi làm việc ở đây làm sao mà ngày nào cũng xuống đó xem có chở người hay không...”

Thực hư chuyện cáp treo đưa người vượt sông tại Đông Anh ảnh 3Phó Chủ tịch xã Đại Mạch Vương Ngọc Chi (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Mặc dù liên tục nhấn mạnh không có chuyện người dân dùng cáp sang sông cũng như đánh giá rất cao hiệu quả của sáng kiến này, mới đây Ủy ban Nhân dân xã Đại Mạch vẫn yêu cầu tháo dỡ và tạm dừng các cáp treo. Lý do, theo ông Chi chỉ vì “báo chí về nhiều quá.”

Đáng ngạc nhiên hơn, theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, trên địa bàn xã Đại Mạch hiện nay có tới 3 điểm người dân lập cáp treo bắc qua sông, nhưng vị Phó Chủ tịch chỉ khẳng định có 2 điểm. Trong tất cả các văn bản chúng tôi được cung cấp cũng thể hiện 2 hộ tự ý làm cáp là các ông Cao Văn Nghĩa và Trần Văn Dưa.

Đặc biệt, sự không nhất quán trong việc quản lý tiếp tục được bộc lộ rõ hơn qua biên bản làm việc với các hộ dân vào ngày 30/12/2013. Trong văn bản này, đại diện chính quyền xã Đại Mạch khẳng định: Các hộ dân đã dựng trái phép cáp treo nên phải tháo dỡ trước ngày 31/12/2013. Như vậy, mặc dù đã đánh giá rất cao hiệu quả kinh tế của sáng kiến, nhưng trong con mắt của xã Đại Mạch, các cáp này đều đã và đang là “công trình sai phép” cần phá dỡ.

Phóng viên Vietnam+ đặt câu hỏi: Sau thời điểm này, các hộ dân có tiến hành tháo dỡ hay không? Tại sao đến thời điểm tháng 8/2014, cáp treo vẫn hoạt động. Ông Chi trả lời: Các hộ dân có thực hiện, nhưng sau đó có thể “tự ý” dựng lại.

Tuy nhiên, ngay sau đó 24 giờ, tới ngày 31/12/2013, Ủy ban Nhân dân xã Đại Mạch tiếp tục ra thông báo số 106/TB-UBND về việc đảm bảo an toàn khi thực hiện vận chuyển hàng hóa qua sông bằng đường cáp treo. Thông báo 106 này ghi rõ: “Việc sử dụng cáp treo phải bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện giao thông đường thủy.” Đây cũng là văn bản chính thức “bác” hiệu lực của biên bản làm việc trước đó 1 ngày, đồng thời trực tiếp “chứng nhận sự tồn tại” cho các hệ thống cáp vốn được coi là sai phép này.

Đến đây, ông Vương Ngọc Chi lại thừa nhận, sau ngày 30/12, người dân không tiến hành phá dỡ cáp như trước đó ông nói.

Ông Vương Ngọc Chi cũng hứa sẽ cho rà soát và kiểm tra lại tính xác thực của cả hai văn bản nói trên trong thời gian sớm nhất./.

Nghiên cứu phương án cho cáp treo hoạt động lại
Thực tế, việc hình thành các cáp treo tự chế với mục đích chuyên chở nông sản, phân bón... qua sông Hồng đã chứng minh được hiệu quả. Bà con thôn Mai Châu đều cho biết: Sau khi áp dụng sáng kiến này bà con đã rút ngắn được thời gian vận chuyển, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm thiểu công sức bỏ ra.

Ông Vương Ngọc Chi cho biết: Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân xã Đại Mạch sẽ làm việc lại với các hộ dân, nếu cần thiết sẽ hỗ trợ kinh phí, thậm chí nhờ các cơ quan giám định chất lượng để đảm bảo việc vận hành trở lại, trên cơ sở cam kết tuyệt đối không chở người.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục