Thực trạng lao động ở nước ngoài trở về Việt Nam

Các chuyên gia đề nghị cần có chính sách hỗ trợ người lao động, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận lao động xuất khẩu về nước.
Ngày 16/3, tại Hà Nội, đông đảo các chuyên gia, cán bộ lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành, đơn vị hữu quan đã tham dự Hội thảo “Đánh giá thực trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài đã trở về Việt Nam” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức.

Hội thảo dựa trên cơ sở kết luận của khảo sát “Đánh giá thực trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài đã trở về Việt Nam” do Viện Khoa học-Lao động và Xã hội thực hiện, nhằm tập trung đánh giá thực trạng của hoạt động xuất khẩu lao động, phát hiện những mặt được cũng như những tồn tại, hạn chế của hoạt động này, trên cơ sở đó có những khuyến nghị chính sách xuất khẩu lao động.

Đối tượng khảo sát là người lao động đã từng làm việc tại các quốc gia và vùng lãnh thổ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) trở về nhà (đúng hạn và trước hạn) trong thời gian 2004-2008, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, chính quyền địa phương các cấp.

Giai đoạn 1 của khảo sát được tiến hành tại bốn tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ, nơi có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Thái Bình.

Các đại biểu cơ bản nhất trí về những mặt được trong xuất khẩu lao động, khẳng định xuất khẩu lao động có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, đặc biệt là nhóm lao động có trình độ văn hóa và chuyên môn kỹ thuật thấp. Hầu hết những người đi xuất khẩu lao động có mục tiêu phù hợp với quy luật tất yếu của di chuyển lao động là nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo, có việc làm và thu nhập tốt hơn.

Đa số người lao động sử dụng mạng lưới quan hệ cá nhân và sự trợ giúp của các doanh nghiệp, các cấp chính quyền để biết được các thông tin về xuất khẩu lao động và các quyết định có liên quan đến xuất khẩu lao động, chỉ còn số ít người lao động thông qua các môi giới cá nhân để đi xuất khẩu.

Các chương trình và chính sách vay vốn thông qua ngân hàng và các tổ chức nhà nước cũng như đoàn thể xã hội được người lao động đánh giá cao, hỗ trợ thiết thực cho người lao động trước khi đi. xuất khẩu lao động đã và đang có tác động tích cực, góp phần đáng kể nâng cao chất lượng lao động Việt Nam, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, nâng cao vị thế của người đi xuất khẩu lao động trở về trong gia đình, cộng đồng.

Những mặt tồn tại, hạn chế của xuất khẩu lao động là một bộ phận người lao động đi xuất khẩu chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, đa số chưa qua đào tạo. Một bộ phận người lao động chưa tiếp cận đến các kênh thông tin chính thức, không nắm rõ các thông tin cần thiết như địa chỉ liên hệ ở nước ngoài khi cần giúp đỡ, vấn đề thanh lý hợp đồng khi về nước.

Nhiều trường hợp người lao động không thể giao tiếp do bất đồng ngôn ngữ. Đa số người lao động phải vay mượn để chi trả các khoản liên quan đến việc chuẩn bị đi xuất khẩu lao động. Người lao động phải nộp chi phí chính thức cao hơn so với quy định ở một số thị trường có thu nhập cao như Đài Loan, Nhật Bản.

Một bộ phận người lao động phải về nước trước hạn hoặc phải làm những công việc khác với thỏa thuận theo hợp đồng. Mức lương thấp hơn so với lao động là người bản địa hoặc lao động làm thuê đến từ các quốc gia khác.

Lao động Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc thích nghi với điều kiện sống và làm việc ở nước ngoài chủ yếu do yếu ngoại ngữ. Một bộ phận không nhỏ người lao động về nước không thanh lý hợp đồng với doanh nghiệp dịch vụ. Một bộ phận đáng kể người lao động đi xuất khẩu lao động trở về gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Sự hỗ trợ của địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu lao động đối với lao động trở về còn hạn chế. Một bộ phận người đi xuất khẩu lao động không có khả năng hoàn vốn.

Các đại biểu dự hội thảo cũng cơ bản thống nhất về những khuyến nghị như tăng cường các hoạt động hợp tác với các nước tiếp nhận lao động trong việc bảo vệ quyền lợi của lao động xuất khẩu, khuyến khích xuất khẩu lao động có tay nghề. Ban hành các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp. Sửa đổi, bổ sung và thống nhất quy trình thực hiện việc cho vay vốn hỗ trợ xuất khẩu lao động của ngân hàng. Hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý, giám sát và trợ giúp lao động xuất khẩu. Công tác thông tin, tuyên truyền về xuất khẩu lao động tại địa phương cần được đẩy mạnh.

Các cơ quan chức năng cần xây dựng và tổng kết các mô hình xuất khẩu lao động thành công, chú trọng công tác tư vấn xuất khẩu lao động cho người dân, nhằm nâng cao ý thức và hiểu biết của người dân, giảm tiểu tình trạng lừa đảo trong xuất khẩu lao động. Công tác tư vấn xuất khẩu lao động cho người dân được chú trọng để giúp người lao động lựa chọn ngành nghề, thị trường phù hợp.

Các đại biểu đề nghị cần có chính sách hỗ trợ người lao động, khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tiếp nhận, giới thiệu việc làm cho lao động xuất khẩu về nước; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xuất khẩu lao động các cấp; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, phù hợp cho người lao động; chú trọng việc chuyến hướng, ưu tiên thị trường xuất khẩu lao động, lựa chọn những việc làm yêu cầu lao động có chuyên môn kỹ thuật hay trình độ nghề cao.

Bên cạnh đó, người lao động cũng cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề và ngoại ngữ khi tham gia xuất khẩu lao động; chủ động tìm hiểu các quy định về hoạt động xuất khẩu lao động; nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình sống và làm việc ở nước ngoài.

Các cơ quan đại diện nhà nước và doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong thời gian người lao động ở nước ngoài cần tăng cường gắn kết; chủ động trong việc tái hòa nhập vào thị trường lao động khi về nước./.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục