Thực trạng yếu kém trong lĩnh vực sản xuất của Đông Nam Á

Hoạt động sản xuất ở Đông Nam Á thường diễn ra trong quy mô nhỏ, tập trung vào những phân khúc thấp cấp hơn và có rất ít khả năng cạnh tranh quốc tế, trong khi lại phụ thuộc rất lớn vào FDI.
Thực trạng yếu kém trong lĩnh vực sản xuất của Đông Nam Á ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Jakarta Globe)

Theo bài phân tích đăng trên báo The Business Times (Singapore), sự dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á đang là xu hướng được nhiều nhà quan sát nhìn thấy.

Tuy nhiên, quan điểm ngày càng mang tính chính thống này lại đang mắc sai lầm sâu sắc, bởi không phải quốc gia nào cũng tận dụng được những điểm tích cực của xu hướng này.

Trái lại, hoạt động sản xuất trên phần lớn khu vực Đông Nam Á thực sự đang gặp khó khăn nghiêm trọng, bởi những hoạt động này thường diễn ra trong quy mô nhỏ, tập trung vào những phân khúc thấp cấp hơn và có rất ít khả năng cạnh tranh quốc tế, trong khi lại phụ thuộc rất lớn vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

[Pháp coi trọng và kỳ vọng vào tương lai hợp tác với ASEAN]

Tình trạng này sẽ tạo ra những thách thức kinh tế dài hạn đối với toàn bộ khu vực, đặc biệt là khi tính cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc được nâng lên những tầm cao mới.

Mặc dù Đông Nam Á vẫn có những thế mạnh sản xuất nhất định, ví dụ như ô tô Thái Lan, linh kiện điện tử Malaysia, cơ khí chính xác và công nghệ sinh học Singapore…, song đây chỉ là những ngoại lệ và thường có xu hướng được hỗ trợ bởi vốn và chuyên môn nước ngoài.

Ngoài rất ít cụm công nghiệp này, hầu hết lĩnh vực sản xuất của khu vực đều ở cấp thấp của chuỗi giá trị và theo định hướng trong nước.

Trong khi đó, thất bại dai dẳng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc phát triển các công ty sản xuất trong nước có khả năng cạnh tranh toàn cầu cũng phản ánh thực tế này.

Điều này là thực tế, bất chấp việc nền kinh tế tổng thể của khối có giá trị lên đến hơn 3.000 tỷ USD và chắc chắn là ASEAN cũng đã nỗ lực không ít.

Nhiều nước Đông Nam Á đã cố gắng thiết lập những “quán quân” trong lĩnh vực sản xuất ở nhiều thời điểm khác nhau, song lịch sử công nghiệp của khu vực đã chứng kiến rất nhiều thất bại trong vấn đề này, ngay cả ở những nước có thế mạnh sản xuất rõ ràng trong những lĩnh vực cụ thể. Những câu chuyện của hãng sản xuất xe hơi Proton và hãng sản xuất chất bán dẫn SilTerra của Malaysia là ví dụ điển hình.

Thiếu sự đổi mới sáng tạo

Bản chất tập trung vào thị trường trong nước và khả năng sản xuất ở cấp thấp trong chuỗi giá trị trong khu vực đã dẫn đến tình trạng khu vực Đông Nam Á gần như thiếu hoàn toàn sự đổi mới sáng tạo về sản phẩm hay công nghệ, đặc biệt là khi so sánh với các công xưởng sản xuất của Trung Quốc.

Có một thực tế rõ ràng là các thực thể ASEAN chỉ có 26.000 bằng sáng chế trong 5 năm qua, trong đó Singapore chiếm gần 2/3 tổng số. Ngược lại, các thực thể của Trung Quốc có hơn 1,7 triệu bằng sáng chế trong cùng giai đoạn.

Để bù đắp cho sự yếu kém trong nước này, nhiều chính phủ các nước Đông Nam Á đã khuyến khích đầu tư của các công ty nước ngoài.

Tuy nhiên, trong khi hình thức đầu tư này có thể đem lại sự thúc đẩy kinh tế ngắn hạn, sự phụ thuộc vào nguồn vốn, công nghệ và chuyên môn nước ngoài không thể là giải pháp lâu dài cho những khó khăn trong lĩnh vực sản xuất của khu vực.

Vấn đề rắc rối của việc phụ thuộc vào các công ty nước ngoài để tăng cường cơ sở sản xuất là cam kết của các công ty này đối với bất kỳ nước cụ thể nào cũng có xu hướng mang tính tạm thời. Đây là bản chất thấp cấp, chi phí thấp và sự nhạy cảm về lợi nhuận của những khoản đầu tư như vậy.

Hơn nữa, ngoài trường hợp thành công hiếm hoi của Singapore, rất ít nước đã phát triển thành công mối liên kết tích cực, tự cường giữa những đầu tư hướng nội với các nền kinh tế trong nước rộng lớn hơn của họ. Điều này dẫn đến thất bại rộng rãi trong việc trang bị cho các nhà sản xuất trong nước những năng lực cạnh tranh quốc tế.

Tình trạng khó khăn trong sản xuất của ASEAN được phản ánh trong tỷ lệ tham gia của khu vực vào các thị trường xuất khẩu toàn cầu. Thành tựu nổi bật của khu vực Đông Nam Á dường như gây ấn tượng khi tỷ trọng trong tổng hàng hóa sản xuất xuất khẩu toàn cầu tăng từ 6,4% năm 2009 lên 7,6% năm 2019. Nhưng nếu không tính Việt Nam, tỷ trọng của ASEAN lại “đứng im” trong 10 năm ở mức 5,9%.

Và thậm chí điều này còn làm sáng tỏ thực trạng hiện tại của khu vực. Ví dụ trong một thập kỷ tính đến năm 2019, ASEAN (không tính Việt Nam) đã mất đi thị phần toàn cầu ở tất cả trừ 2 trong số 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu của khu vực vốn có ý nghĩa quan trọng nhất trong năm 2009.

Cạnh tranh với Trung Quốc

Thách thức lớn nhất đối với phần lớn các lĩnh vực sản xuất của khu vực Đông Nam Á là khả năng cạnh tranh lớn hơn rất nhiều của các nhà sản xuất Trung Quốc.

Nhiều nhà quan sát mắc sai lầm khi cho rằng tính cạnh tranh chỉ đơn giản là chi phí lao động. Không phải như vậy. Đối với tất cả các nhân tố góp phần cho tính cạnh tranh, các nhà sản xuất Trung Quốc đều có lợi thế.

Họ lớn hơn, phức hợp hơn, đổi mới sáng tạo hơn, năng suất hơn và gần hơn với thị trường cuối cùng lớn nhất ở châu Á. Điều này có nghĩa là hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc giờ đây đang tràn ngập khắp Đông Nam Á và đang thay thế các nhà sản xuất địa phương, khiến khu vực này tăng thâm hụt thương mại về hàng chế tạo sản xuất với siêu cường kinh tế “láng giềng” này.

Thực trạng yếu kém trong lĩnh vực sản xuất của ASEAN cần phải được giải quyết một cách cấp bách, nếu không sẽ tạo ra những thách thức kinh tế và địa chính trị dài hạn, đặc biệt là khi lĩnh vực sản xuất là thành phần cốt lõi của bất kỳ mô hình tăng trưởng dài hạn bền vững nào.

Không có những năng lực trong nước có thể cạnh tranh quốc tế, các nước Đông Nam Á sẽ không đạt được những khát vọng và phát huy được tiềm năng kinh tế của mình. Thay vào đó, các cơ cấu công nghiệp sẽ chỉ mang tính trong nước và hướng vào lĩnh vực dịch vụ hơn.

Xu hướng này sẽ chỉ củng cố hệ thống phân cấp kinh tế mới nổi của châu Á, trong đó Trung Quốc đã được thiết lập vững chắc là hạt nhân của khu vực và Đông Nam Á trở nên bị gạt sang bên rìa hơn bao giờ hết. Động thái này không hẳn là không thể đảo ngược, nhưng tình hình hiện nay càng để kéo dài sẽ càng trở nên “ăn sâu bén rễ” hơn.

Đông Nam Á có quy mô và sức mạnh, nhưng theo đúng như cách mà Trung Quốc đã thực hiện thành công một chính sách phát triển công nghiệp tích cực, các nhà hoạch định chính sách của khu vực cần tiến hành những biện pháp nhanh chóng để giúp đỡ và hỗ trợ các lĩnh vực sản xuất.

Nếu họ không làm như vậy, triển vọng kinh tế của Đông Nam Á sẽ ngày càng ảm đạm, trong khi nước láng giềng lớn hơn - Trung Quốc - sẽ tiếp tục dẫn đầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục