Thuế nguyên liệu chưa tăng - giá sữa đã tăng

Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn có kiến nghị nâng thuế nhập khẩu sữa lên nhằm giải quyết khó khăn cho ngành chăn nuôi bò sữa trong nước và kiến nghị này đã không được Bộ Tài chính đồng tình, thay vào đó Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất chỉ tăng thuế nhập khẩu sữa tươi.

Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn có kiến nghị nâng thuế nhập khẩu sữa lên nhằm giải quyết khó khăn cho ngành chăn nuôi bò sữa trong nước và kiến nghị này đã không được Bộ Tài chính đồng tình, thay vào đó Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất chỉ tăng thuế nhập khẩu sữa tươi.

Hiện hai Bộ vẫn bất đồng về chuyện tăng thuế nhập khẩu sữa. Tuy nhiên, trên thị trường một số loại sữa nhập khẩu đã tăng giá thêm 10%. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang và phần thiệt vẫn thuộc về người tiêu dùng.

Sữa tăng giá

Tại cửa hàng sữa trên phố Bạch Mai (Hà Nội) theo lời người chủ cửa hàng tên Liên thì từ cuối tháng 2 này sẽ có nhiều loại sữa nhập khẩu như Mead Jonhson, Abbott, Dumex sẽ tăng giá khoảng 10%. Chị Liên cho biết hiện đã có thông báo từ nhân viên của một số nhà phân phối lớn, trong đó có Abbott. Theo đó, nhiều sản phẩm của nhãn hàng Abbott sẽ có giá rất cao, cụ thể sữa Ensure Gold loại 900 gram/hộp giá từ 395.000 đồng có thể sẽ tăng lên 424.500 đồng/hộp.

Tương tự, một số cửa hàng sữa trên phố Hàng Buồm (Hà Nội) cho biết các dòng sản phẩm sữa Abbott tại Việt Nam sẽ chính thức tăng giá với mức tăng khoảng 10% vào ngày 28/2. Tuy nhiên, chưa đến ngày 28 các đại lý này đã tăng lên 5%. Không chỉ các sản phẩm sữa của Abbott mà các sản phẩm sữa của Mead Johnson như Enfalac, Enfagrow, Enfakid... cũng tăng giá. Cầm trên tay hộp sữa Enfa Mama, loại 900g chị Trần Thúy Nga, phố Bồ Đề, Long Biên Hà Nội cho biết, cách đây một tuần chị mua chỉ với giá 245 ngàn đồng, nhưng 24/2 giá đã đắt lên 5.000 đồng.

Khác với các loại sữa ngoại nhập, các sản phẩm sữa sản xuất trong nước như Nutifood, Vinamilk, Dutch Lady... tính đến chiều 24/2 vẫn chưa hề tăng giá và cũng không có thông tin về việc tăng giá.

Nhiều ý kiến cho rằng việc tăng giá sữa trong thời điểm này là hoàn toàn không phù hợp vì trên thực tế, thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa vẫn chưa tăng, hơn nữa giá nguyên liệu sữa bột nguyên kem tại thị trường châu Âu hiện chỉ còn từ 2.050-2.325 USD/tấn, tức đã giảm hơn 50% so với tháng 12/2008.

Theo Ông Trần Đăng Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Hà Nội, trong cơ cấu giá sữa thành phẩm, về nguyên liệu thì sữa bột chiếm tới 70% giá thành, sữa tươi là 30%, còn các loại khác như kem, bánh ngọt... thì không ảnh hưởng đáng kể. Như vậy, với việc giá sữa nguyên liệu giảm mạnh như thời gian qua, các doanh nghiệp sữa đã thu được khoản lợi nhuận rất lớn.

Ông Tuấn khẳng định: “Không có lý do gì để tăng giá sữa ở thời điểm này. Giá sữa của Công ty chúng tôi “đứng” từ tháng 9/2008 cho tới ít nhất là hè này. Viện lý do tăng thuế nhập khẩu sữa chỉ là cái “cớ” của nhà sản xuất, bởi mức thuế Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đề nghị nằm trong mức thuế của năm 2006-2007". Ông Tuấn cho biết thêm: “Tỷ giá USD hiện tại không biến động nhiều so với thời điểm giữa năm 2008. Kể cả khi giá điện tăng, doanh nghiệp vẫn có thể “thu xếp” được”.

Một chuyên gia ngành nông nghiệp tính toán, với mức thuế và giá nhập khẩu trên, cộng với chi phí, khi về đến Việt Nam, giá sữa chỉ vào khoảng 7.000 đồng/lít. Sau khi bổ sung một số khoáng chất, cùng lắm giá sữa là 15.000-16.000 đồng/lít. Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp sữa đang bán trên thị trường giá 150.000 đồng/hộp sữa bột 400 gram, nếu quy ra sữa nước theo công thức chuẩn 120 gram = một lít, thì được 3,4 lít. Như vậy, giá một lít sữa lên tới trên 40.000 đồng.

Hơn một năm qua, các doanh nghiệp liên tục đẩy giá sữa thành phẩm trong nước lên cao từ 7 đến 25%, thậm chí là 100%. Chính vì vậy mà năm 2008, các doanh nghiệp trong nước đã chi tới 535 triệu USD để nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa, tăng gần 16% so với năm trước đó. Dutch Lady dẫn đầu với 37%, tiếp đến là Vinamilk 32%, các doanh nghiệp còn lại như Hanoimilk, Cổ phần Sữa Quốc tế... chiếm 31%. Lấy ví dụ từ Vinamilk, năm 2008, trong bối cảnh kinh tế khó khăn doanh nghiệp vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 1.230 tỷ đồng, tăng gần 28% so với năm trước đó.

Doanh nghiệp “bào chữa”

Vẫn là những lý do muôn thủa như chi phí nhân công, nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ... Một số doanh nghiệp kinh doanh sữa tên tuổi 100% vốn nước ngoài ở phía Nam còn “dè dặt” khi nói về tình hình giá sữa.

Giải thích vấn đề khi giá nguyên liệu sữa thế giới giảm 40- 50% thì lý gì sữa sản phẩm không giảm mà lại tăng, đại diện Abbott lý giải: vào cuối 2007 đầu 2008, giá nguyên liệu sữa thế giới tăng đột biến 200 đến 300%. Do vậy từ đầu năm ngoái, hàng loạt công ty sữa ở Việt Nam đã tăng giá. Tuy nhiên thời điểm đó giá sữa Abbott chỉ tăng 7-8%.

Đại diện nhãn sữa Abbott giải thích về chính sách của chính hãng thì giá sữa không tăng. Tuy nhiên về phía phân phối công ty Abbott đã có đề nghị “xin” được nâng giá. Nguyên nhân là thời gian qua do tỷ giá ngoại tệ, cụ thể là USD liên tục trượt giá từ tháng 3-9/2008 đến nay cũng khoảng 5,5%. Mặc dù sự nỗ lực kìm giá của nhà phân phối trong thời gian vừa qua là rất cố gắng nhưng với tình hình như hiện nay tỷ giá ngoại tế khó mà đi xuống nên Công ty phân phối đã kiến nghị Bộ Công Thương cho phép tăng giá.

Ông Trương Văn Toàn, Trưởng phòng pháp lý Công ty sữa Dutch Lady Vietnam, thừa nhận dù doanh nghiệp rất muốn chia sẻ gánh nặng giá cả với người tiêu dùng và cả bản thân doanh nghiệp “cố gắng” giữ giá sữa không tăng cho đến tháng 7/2008. Thế nhưng, do chi phí nhân công, nhiên liệu và ngoại hối đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành sản xuất trong hai năm qua, nên cũng như bao doanh nghiệp cùng ngành, công ty Dutch Lady buộc phải tăng giá.

Cũng giải thích về việc này, đại diện một hãng sữa khác cho rằng giá nguyên liệu vẫn cao vì hiện giá nguyên liệu giảm nhưng mới chỉ giảm 40-50% của mức 200-300% tăng trước đây, chứ chưa thật sự trở về giá nguyên liệu của năm 2007. Điều này có nghĩa là giá nguyên liệu sữa vẫn cao nên buộc phải tăng giá sản phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục