Thung lũng Silicone trong cơn 'cuồng phong' Mỹ-Trung

Chính sách mới của chính quyền Tổng thống Mỹ nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận các tiến bộ trong ngành công nghệ Mỹ đã chặn nguồn đầu tư từ Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp.
Thung lũng Silicone trong cơn 'cuồng phong' Mỹ-Trung ảnh 1(Nguồn: ghanalive.tv)

Theo hãng Reuters, những chính sách mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận các tiến bộ và sáng tạo trong ngành công nghệ Mỹ đã chặn đứng nguồn đầu tư từ Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, khi cả giới đầu tư và các nhà sáng lập đều dè dặt, thậm chí là từ bỏ các thỏa thuận do sức ép từ sự kiểm soát của Washington.

Theo Tổ chức Rhodium, một công ty nghiên cứu có trụ sở ở New York, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc trong các dự án khởi nghiệp tại Mỹ vào năm ngoái tăng đến 3 tỷ USD nhờ làn sóng các nhà đầu tư và doanh nghiệp công nghệ ồ ạt tranh giành các giao dịch làm ăn tại Mỹ.

Tuy nhiên, từ khi Mỹ áp dụng một quy chế mới vào tháng 8/2018 thì tình hình đã thay đổi.

Theo kết quả thăm dò mà Reuters đã thực hiện với 35 công ty, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp ở Mỹ đã chững lại.

Tổng thống Trump đã ký ban hành một dự luật mới, gia tăng thẩm quyền của chính phủ nhằm ngăn chặn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các công ty Mỹ, bất kể nhà đầu tư có xuất xứ từ quốc gia nào.

Tuy nhiên, ông đặc biệt nhắm vào việc ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ chiến lược của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong khi bộ quy tắc mới vẫn đang được hoàn thiện, người ta nhận thấy rằng các nhà đầu tư cũng đang dần dần tìm cách rút khỏi khu vực này.

Luật sư Nell O’Donnell, người đại diện cho các công ty công nghệ Mỹ giao dịch với các nhà đầu tư nước ngoài, nói: “Các thỏa thuận liên quan đến các công ty Trung Quốc, khách hàng Trung Quốc và các nhà đầu tư Trung Quốc gần như đã chững lại.”


[Những tác động từ chính sách kiểm soát đầu tư vào công nghệ Mỹ]

Nhiều luật sư nói với phóng viên hãng tin Reuters rằng họ đang điều chỉnh các điều khoản hợp đồng để được Washington chấp thuận.

Các nhà đầu tư Trung Quốc, kể cả các doanh nghiệp gia đình lớn, cũng từ bỏ các giao dịch và ngừng tham gia các cuộc họp với các công ty khởi nghiệp ở Mỹ.

Trong khi đó, một số doanh nhân khác lo ngại quá trình phê duyệt kéo dài của chính phủ Mỹ có thể làm mai một các nguồn lực và động lực của họ trong một lĩnh vực mà tốc độ tiếp cận thị trường nhanh là rất quan trọng.

Một nhà đầu tư mạo hiểm, yêu cầu giấu tên, ở Thung lũng Silicone nói với Reuters rằng ông biết có đến ít nhất 10 thỏa thuận đã bị hủy, trong đó có một số đơn vị mà công ty của ông có mua cổ phần.

Những doanh nghiệp này hủy thỏa thuận vì họ cần phải có sự chấp thuận từ nhóm liên ngành chính phủ được gọi là Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS).

CFIUS là một cơ quan liên nghành của chính phủ được giao nhiệm vụ phê duyệt dự án đầu tư nước ngoài có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và rủi ro cạnh tranh.

Điều luật mới đã mở rộng quyền hạn của cơ quan này, trong đó có việc được phép điều tra cả các giao dịch trước đây vốn nằm ngoài tầm ngắm, chẳng hạn như các hợp đồng mua bán cổ phần giữa các công ty khởi nghiệp của Mỹ với nhà đầu tư nước ngoài.

Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn đi đầu trong ngành công nghệ được coi là quan trọng đối với khả năng cạnh tranh toàn cầu và sức mạnh quân sự.

Các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua cổ phần của các công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh như Uber và Lyft, cũng như các công ty có công nghệ nhạy cảm hơn bao gồm công ty mạng trung tâm dữ liệu Barefoot, công ty xe ôtô tự lái Zoox và công ty nhận dạng giọng nói AISense.

Thực tế, việc thiếu vắng nguồn tiền đầu tư từ Trung Quốc không hẳn sẽ là “ngày tàn” của Thung lũng Silicone.

Các nhà đầu tư nước ngoài rót hơn 84 tỷ USD vào các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Mỹ chỉ trong 3 quý đầu năm 2018, theo số liệu từ Tập đoàn PitchBook.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Carson Kahn, Giám đốc điều hành của Volley Labs, một công ty có trụ sở tại San Francisco vận dụng trí tuệ nhân tạo vào việc xây dựng các tài liệu đào đạo, nói: “Những nhà quản trị và doanh nghiệp như chúng tôi đang cảm thấy rất nhiều áp lực và căng thẳng.”

Đây có thể xem là một sự thay đổi lớn tại Thung lũng Silicone khi giai đoạn các khoản tiền đầu tư tới từ khắp nơi trên thế giới, kể cả là từ các đối thủ địa chính trị như Mỹ và Trung Quốc, được sử dụng tự do và ồ ạt, đã chấm dứt.

Reid Whitten, luật sư của công ty Sheppard Mullin, nói rằng trong số 6 công ty mà ông gần đây đã tư vấn để có được sự chấp thuận của CFIUS, thì chỉ có 2 công ty tiếp tục nộp hồ sơ.

Những công ty khác đã từ bỏ các hợp đồng của họ hoặc vẫn đang xem xét liệu có nên tiếp tục hay không. Whitten nói: “Đó là một sự thay đổi mang tính thế hệ về cách chúng tôi nhìn nhận các khoản đầu tư tại Mỹ.”

Nguồn đầu tư từ Trung Quốc đã thu hẹp trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên, một số chuyên gia về an ninh lại hoan nghênh những động thái mà họ đã chờ đợi quá lâu để bảo vệ các doanh nghiệp non trẻ tại Mỹ.

Bob Ackerman, người sáng lập AllegisCyber, một công ty đầu tư mạo hiểm tại San Francisco và Maryland, ủng hộ các doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực an ninh mạng, nói: “Điều chúng tôi lo ngại là những nhân tố thiếu thiện chí biết rõ cách tận dụng những kẽ hở để tiếp cận tài sản trí tuệ của chúng tôi.”

Theo Tổ chức Rhodium, trung bình 21% các khoản đầu tư từ Trung Quốc tại Mỹ trong giai đoạn từ 2000-2007 là tới từ các quỹ đầu tư quốc doanh, được chính phủ Trung Quốc kiểm soát một phần hoặc toàn bộ. Trong năm 2018, con số này là 41%.

Mặc dù vậy, một số ý kiến lại cho rằng Washington đã quá mạnh tay trong nỗ lực kiềm tỏa Bắc Kinh. Doanh nhân gốc Hoa Wei Guo, người đồng sáng lập công ty UpHonest Capital tại Thung lũng Silicone, doanh nghiệp có số vốn chủ yếu là từ các nhà đầu tư có liên quan tới Trung Quốc cho rằng “nhiều doanh nhân vô tội” bị liên đới trong cuộc chiến giữa chính quyền với Trung Quốc.

Bên cạnh những lo ngại tại Thung lũng Silicone, Cục Điều tra Liên bang (FBI) cũng đang có những biện pháp chủ động hơn đối với chính sách đầu tư từ Trung Quốc.

Một cố vấn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và một nhà đầu tư mạo hiểm đề nghị giấu tên nói rằng FBI gần đây đã khuyến cáo họ về việc thúc đẩy các thỏa thuận với các nhà đầu tư Trung Quốc.

Hai nhân vật này không nói rõ chi tiết song cho biết các thỏa thuận mà FBI ám chỉ có liên quan tới các doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và công nghệ tự hành.

Liệu những nỗ lực này có thể ngăn Trung Quốc vươn tới mục tiêu bá quyền về công nghệ tân tiến hay không vẫn là điều cần chờ xem.

Trung Quốc trên thực tế vẫn có thể bỏ tiền đầu tư vào công nghệ tại Mỹ thông qua các khoản quỹ không đòi hỏi công khai tài chính. Cùng lúc đó, giới đầu tư Trung Quốc đang có xu hướng chuyển sang các doanh nghiệp đầy hứa hẹn tại Đông Nam Á và Mỹ Latinh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục