“Thuốc” tăng trưởng cho ngành cơ khí Việt Nam

Năng lực có thể đảm đương tới 60-70% khối lượng sản xuất thiết bị cơ khí, nhưng hiệu quả kinh tế thu về lại chẳng là bao, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đang tìm cách hóa giải thân phận “nhà gia công giá rẻ”.

Ngay cả khi có cơ hội lớn để trở thành nhà cung cấp thiết bị phụ trợ cho tập đoàn cơ khí hàng đầu thế giới Alstom, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ vẫn hết sức trăn trở vì hiện trạng loạn giá “chào” của các doanh nghiệp trong nước.
Năng lực có thể đảm đương tới 60-70% khối lượng sản xuất thiết bị cơ khí, nhưng hiệu quả kinh tế thu về lại chẳng là bao, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đang tìm cách hóa giải thân phận “nhà gia công giá rẻ”.

Ngay cả khi có cơ hội lớn để trở thành nhà cung cấp thiết bị phụ trợ cho tập đoàn cơ khí hàng đầu thế giới Alstom, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ vẫn hết sức trăn trở vì hiện trạng loạn giá “chào” của các doanh nghiệp trong nước.

Trong khi các doanh nghiệp trong nước khốn khổ vì giá bỏ thầu thấp thì các doanh nghiệp nước ngoài lại ung dung hưởng lợi lớn.

Từ thiếu tính liên kết

Không phải đợi đến tận bây giờ, khi có thâm niên hơn 3 năm hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp mới “điếng người” nhận thấy sự “thua thiệt” ngay chính trên sân nhà.

Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn trên thị trường cung cấp thiết bị cơ khí cho các nhà máy thủy điện, nhiệt điện và nhiều dự án sản xuất công nghiệp … nhưng hầu như mất trắng cho các nhà thầu ngoại đến từ Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. Nhưng nhận thức là một chuyện, còn làm gì để cải thiện tình hình lại là chuyện không hề đơn giản.

Hiện ngành cơ khí nội địa mới chỉ đáp ứng được 38% nhu cầu về thiết bị cơ khí trong nước; phần còn lại vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu dù có đủ năng lực sản xuất.

Thẳng thắn nhìn vào yếu điểm của ngành cơ khí, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ rõ, gốc rễ vấn đề chính là sự hợp tác còn yếu kém giữa các doanh nghiệp cơ khí. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từng doanh nghiệp, Hiệp hội cơ khí và Chính phủ phải nỗ lực hơn nữa để hợp tác hiệu quả, chặt chẽ.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, hiện việc chế tạo thiết bị phụ trợ vẫn “mạnh ai nấy làm”, đầu tư chồng chéo và chưa có sự phân công chuyên môn hóa nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Đặc biệt, Hiệp hội cơ khí chưa phải là nhạc trưởng để kết nối doanh nghiệp trong việc chế tạo thiết bị phụ trợ.

Thừa nhận hiệp hội chưa “tròn vai” nhạc trưởng, Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Văn Thụ cũng trăn trở, vì chưa được coi là cơ quan tham mưu giúp Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đề ra các chính sách tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nên Hiệp hội chưa thể đủ sức mạnh, tầm bao quát để tổ chức, phân công các doanh nghiệp cùng hợp tác liên kết sản xuất nhằm cùng hưởng lợi.

… đến yếu về năng lực

Cùng với những lỏng lẻo trong hợp tác, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cũng sẽ chỉ là người đi làm thuê cho các ông chủ ngoại nếu như không phấn đấu để có thể tự làm chủ trong khâu thiết kế chế tạo. Đây cũng chính là điểm yếu nhất của ngành cơ khí trong nước hiện nay.

Theo ông Nguyễn Văn Thụ, các đơn vị tư vấn thiết kế của Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tư vấn, thiết kế toàn bộ một công trình công nghiệp lớn của ngành, cũng như chưa thể đảm nhận vai trò thiết kế chính của các dự án công nghiệp có quy mô lớn, độ phức tạp cao.

Nhiều doanh nghiệp cơ khí chỉ dành khoảng từ 0,2 đến 0,3% doanh thu cho công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm, trong khi ở Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10%.

Vậy nên, không lạ khi ngày nay các tổng thầu châu Âu, Nhật Bản có xu hướng chỉ làm những phần việc chính mang lại giá trị kinh tế cao; còn những phần việc sản xuất thiết bị phụ, thiết bị kết cấu thép phi tiêu chuẩn thì “nhường” lại cho các lao động cơ khí Việt Nam và các lao động giá rẻ ở nước thứ 3.

Bên cạnh những yếu kém trong khâu thiết kế, nhìn một cách tổng thể, Việt Nam không phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất ra các thiết bị, chi tiết cơ khí, dù tiềm năng thị trường rất lớn, giám đốc phụ trách Tập đoàn Alstom khu vực châu Á, ông Laurent Fortier-Beaulieu đã khẳng định như vậy.

Ông còn lý giải, chính vì thiếu ngành công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đang bỏ qua những cơ hội hợp tác phát triển với các hãng chế tạo lớn trên thế giới.

Cánh cửa hợp tác

Theo Đại diện Tập đoàn Alstom khu vực châu Á, hiện Alstom đang có chiến lược kết hợp Đông-Tây, hướng sự hợp tác với các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam để sản xuất và cung cấp thiết bị, lao động, cũng như dịch vụ bảo dưỡng với giá cả cạnh tranh cho các dự án thủy điện, phong điện và nhiệt điện công suất lên tới 600MW tại Việt Nam, Indonesia, Australia, Malaysia.

Sở dĩ Alstom đề ra chính sách coi Việt Nam là ưu tiên hàng đầu ở khu vực là vì Việt Nam đang là thị trường mới nổi đầy tiềm năng và các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có năng lực hợp tác sản xuất các thiết bị máy móc cơ khí tiêu chuẩn cao để xuất khẩu.

Thậm chí, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành đối thủ nặng ký với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Đánh giá về việc hợp tác này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình cơ khí trọng điểm, khẳng định, việc trở thành nhà cung cấp thiết bị cho Alstom là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam thử sức và chứng minh cho các đối tác quốc tế về tiềm năng trở thành nhà cung cấp thiết bị với khả năng cạnh tranh cao về giá thành và chất lượng sản phẩm, chất lượng lao động cũng như năng lực tổ chức sản xuất, giao hàng đúng hẹn.

Đây cũng là dịp quan trọng để cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương cùng với các doanh nghiệp và Hiệp hội cơ khí đánh giá năng lực thực chất, thống nhất phân công thực hiện các đơn hàng cung cấp thiết bị cơ khí cho Tập đoàn Alstom để tránh đầu tư trùng lặp.

Về phía Hiệp hội, Chủ tịch Nguyễn Văn Thụ cho rằng, mặc dù phải chấp nhận làm các phần việc mang lại giá trị kinh tế thấp, nhưng trong giai đoạn đầu của quá trình hội nhập, việc trở thành các đối tác cung cấp thiết bị phụ trợ cho các hãng chế tạo có tiếng của nước ngoài như Alstom sẽ giúp người lao động Việt Nam vừa có công ăn việc làm, vừa tiếp thu được khoa học công nghệ tiên tiến và học hỏi được trình độ quản lý cũng như có điều kiện để đầu tư trang thiết bị, nâng tầm sản xuất lên và dần dần nắm được ngành.

Ông Thụ cũng nhấn mạnh, Hiệp hội sẽ nỗ lực cao độ trong vai trò liên kết, thống nhất các doanh nghiệp để cùng nhau thực hiện hiệu quả các hợp đồng cung cấp thiết bị cho Alstom.

Hiệp hội sẽ có các đánh giá năng lực thực tế của từng doanh nghiệp để có thể phân công thích hợp từng nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện hợp đồng với Alstom, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm như thời gian vừa qua.

Nhận ra được căn bệnh “thiếu tính liên kết” hành hạ bấy lâu, chọn con đường chuyển vai từ “làm thuê” sang hợp tác, các doanh nghiệp cơ khí đang tìm ra lối đi để nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, không thể chỉ trông đợi vào Alstom như một cứu giải, bản thân các doanh nghiệp trong nước cần phải xác định lại hướng đi dài hơi hơn cho mình.

Và nói như ông Thụ, Hiệp hội - nhạc trưởng - không thể không đứng lên xác lập lại vị trí của mình!/.

 Bài viết được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh Nhân của VCCI và Vietnam+

(Doanh Nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục