"Thuốc thử cha"-để làm gì?

"Thuốc thử cha" bị chỉ trích gay gắt ở Anh

Từ tháng 8, khi "thuốc thử cha" - thiết bị thử ADN được bán ở các hiệu thuốc tại Anh, dư luận ngay lập tức chỉ trích gay gắt.
Từ trung tuần tháng 8, “thuốc thử cha” - thiết bị thử ADN để xác định mối quan hệ phụ tử - đã được bán rộng rãi ở các hiệu thuốc tại Anh. Xung quanh chuyện này có nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Lấy mẫu thử tại gia

Theo tờ Times, hiện tại ở nước Anh, người dân có thể tự mua thiết bị thử ADN ở “góc phố” để xác định xuất xứ của những đứa trẻ. Sản phẩm này được bán với giá 160 bảng.

Cách thức quyết định số phận của tình phụ tử hóa ra rất đơn giản, có thể dễ dàng thực hiện tại gia, chỉ cần thu mẫu nước bọt của người cha, người mẹ và đứa trẻ vào tờ giấy thấm trong máy thử rồi chuyển cho phòng xét nghiệm. Thường thì sau năm ngày sẽ có kết quả. Khách hàng nào quá sốt ruột thì có thể nhận kết quả phân tích sau một ngày nhưng lệ phí sẽ cao hơn.

Phát minh mới của các thầy thuốc Anh ngay lập tức bị dư luận chỉ trích gay gắt. Chẳng những các bà mẹ có con “giống hệt hàng xóm” e ngại mà các nhà di truyền học cũng phản đối, bởi họ nói rằng hiện chưa rõ sai số của cách thử mới là bao nhiêu phần trăm và như vậy rất dễ gây nguy hại cho nhiều tổ ấm.

Còn các nhà xã hội học thì kêu gọi người lớn hãy thương lấy bọn trẻ, chúng đâu có tội tình gì mà bỗng dưng bị biến thành kẻ lạc loài ngay trong ngôi nhà của mình.

Thông lệ thế giới

Trong thực tiễn dân sự, y học và tư pháp có những trường hợp cần phải xác định người cha sinh học (trường hợp xác định người mẹ hoặc họ hàng thì ít hơn).

Có rất nhiều lý do để người ta thử ADN: Tìm người cha để áp đặt khoản tiền nuôi con ngoài giá thú hoặc giải quyết vấn đề thừa kế theo lệnh của tòa án. Nhưng hiện tại việc thử gen có thể được thực hiện theo nguyện vọng cá nhân và tại các phóng xét nghiệm tư.

Chi phí của việc này không rẻ nhưng cũng chẳng quá đắt. Để phân tích ADN, cần phải lấy máu ở ven hoặc nhổ vài sợi tóc. Thời gian xét nghiệm từ 2 tuần đến 1 tháng. Nếu có lý do tế nhị, khách hàng có thể yêu cầu được giấu tên.

Nếu thu đủ ba mẫu gen của mẹ, con và người cha thì kết quả khẳng định (xác nhận người đàn ông đúng là cha của đứa trẻ) được đảm bảo chính xác tối thiểu là 99,9%, tức sai số chỉ ở mức 0,1%. Nếu thiếu mẫu gen của người mẹ (chỉ có mẫu của cha và con) thì độ chính xác tối thiểu giảm xuống còn 99,75%. Trong trường hợp phủ định (xác định người đàn ông không phải là cha của đứa trẻ), kết quả đạt độ chính xác 100%.

Chuyện của Maccarti

Ở cuộc hôn nhân đầu tiên, anh P. Maccarti và vợ có một “cục cưng”. Cô bé có đôi lúm đồng tiền duyên dáng, mái tóc mượt mà màu hạt dẻ và ánh mắt “giống hệt cha”. Khi cặp vợ chồng nói trên chia tay, cô bé ở với mẹ nhưng vào dịp cuối tuần và kỳ nghỉ lại đến thăm Maccarti ở bang New Jersey (Mỹ). Maccarti rất yêu thương cô bé, hễ có dịp là anh lại khoe “cục cưng” của mình với đồng nghiệp. Cô bé (được giấu tên) cũng yêu quý Maccarti vô cùng.

Khi lần đầu tiên người vợ cũ nói rằng Maccarti chẳng có quyền gì với cô con gái thì anh cho đó là cách trả thù nhỏ nhen của đàn bà. Nhưng đến lần thứ hai thì nỗi nghi ngờ giày xé Maccarti. Anh ngủ không yên giấc, thỉnh thoảng lại giật mình thảng thốt. Một đêm, Maccarti vào mạng tìm số điện thoại và địa chỉ phòng xét nghiệm ADN. Người vợ thứ hai thúc giục anh đi thử gen: “Tội gì mất một đống tiền nuôi con thiên hạ”. Cuối cùng, trong một lần “cục cưng” đến thăm, Maccarti đã lấy được mẫu nước bọt của cô bé.

Bốn tuần sau, Maccarti nhận được kết quả xét nghiệm cho biết sác xuất anh là cha của đứa bé: 0%. Anh run bắn người, đổ gục xuống giường và hét lên như một kẻ điên. Suốt thời gian dài, phải cố hết sức, Maccarti mới làm tròn bổn phận của một tài xế xe tải. Anh quyết định khi nào cô bé tròn 18 tuổi mới công bố sự thật đau lòng. Nhưng kể từ khi biết kết quả xét nghiệm, dù không nói ra nhưng Maccarti không thể xử sự với cô bé như trước. Mối quan hệ giữa họ lạnh nhạt dần.

Khi cô bé đã bước sang tuổi 18, Maccarti nhận được một cú điện thoại. Cô bé ở đầu dây bên kia chỉ nói một câu lạnh lùng: “Mẹ đã nói với tôi rồi”. Maccarti trả lời rằng: “Kết quả xét nghiệm đó chẳng có giá trị gì, cha vẫn yêu thương con như trước”. Nhưng trên thực tế, từ đó anh và cô bé không gặp lại nhau nữa. Maccarti có thêm hai con gái từ cuộc hôn nhân sau. Hễ nhìn các con nhỏ là anh lại nghĩ đến “cô con gái lớn”. Anh nhớ đã hạnh phúc thế nào khi đón “con” ở bệnh viện, vui đùa với cô bé ra sao trong ngần ấy năm...

Có lẽ Maccarti sẽ không bao giờ được yên bình trong tâm hồn nữa./.

Hiện tại dư luận ở Mỹ đang chia ra hai phe. Nhiều nam giới ủng hộ việc xét nghiệm ADN, coi việc “cha gà nuôi con vịt” là bất công. Họ còn lập ra Hiệp hội những người cha bị lừa dối. Phe khác, gồm nhiều phụ nữ, không ít nam giới và các nhà khoa học, những người hoạt động xã hội, chủ trương coi giòng giống không quan trọng bằng tình thương yêu, sự gần gũi, chăm sóc. Họ nói: “Đứa trẻ nào do ta nuôi dưỡng, được ta yêu thương thì đó là con ta”.

Tại Mỹ, một số bang cho phép những ông chồng cũ của các phụ nữ ngừng cấp tiền nuôi dưỡng đứa trẻ nếu kết quả xét nghiệm ADN chứng minh họ không phải là “người cha sinh học”. Nhưng phần lớn các bang vẫn quyết định ai đã chu cấp kinh phí nuôi đứa trẻ thì cứ phải tiếp tục làm như vậy cho đến khi đứa trẻ trưởng thành, bất kể kết quả xét nghiệm ADN như thế nào. Suy cho cùng, số phận của con trẻ quan trọng hơn cảm xúc cùng sự tính toán thiệt hơn của người lớn!

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục