Thương chiến Mỹ-Trung Quốc và những thách thức đối với ASEAN

ASEAN và Trung Quốc đã phát đi tín hiệu về ý định bảo vệ thương mại tự do, tăng cường hội nhập khu vực và chống chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh các chính sách thương mại của Mỹ đang gây tranh cãi.
Thương chiến Mỹ-Trung Quốc và những thách thức đối với ASEAN ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tại Singapore vào ngày 13/11, ASEAN và Trung Quốc phát đi tín hiệu về ý định bảo vệ thương mại tự do, tăng cường hội nhập khu vực và chống chủ nghĩa bảo hộ.

Tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long-Chủ tịch luân phiên của ASEAN - có thể sẽ định hướng cho cuộc thảo luận chung trong các định dạng khác nhau của các hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Đông Á. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc cần cải cách để hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh doanh nghiệp vật lộn với cuộc chiến thương mại với Mỹ hơn là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu tại Singapore ngày 13/11, ông Lý Khắc Cường cho rằng Trung Quốc có thể tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế đang phát triển chậm chạp của nước này bằng cách điều chỉnh các chính sách như là tinh giản thủ tục quan liêu trong việc cấp giấy phép kinh doanh, thuế và lệ phí. Đề cập đến vai trò của Trung Quốc trong sự phát triển của khu vực, ông Lý nói: "Bất chấp sức ép sụt giảm, chúng tôi sẽ không dựa vào sự kích thích trên quy mô lớn. Chúng tôi sẽ tiến hành điều chỉnh một cách phù hợp. Chúng tôi muốn tiếp thêm động lực cho thị trường, cụ thể là các thực thể thị trường và chúng tôi có điều kiện để làm điều đó."

Bên cạnh đó, ông cho biết chính phủ sẽ "trừng phạt nghiêm khắc" đối với các doanh nghiệp vi phạm mẫu mã và quyền sở hữu trí tuệ khác và liên quan đến "những hành vi lừa đảo khác."

Trung Quốc và Mỹ đang bị bế tắc trong tranh chấp thương mại xung quanh những khiếu nại của Washington cho rằng Trung Quốc sử dụng những chiến lược đánh cắp để giành được công nghệ nhằm thay thế vị thế về công nghệ của Mỹ. Hai nước đã tăng thuế nhập khẩu lên đến hàng tỷ USD cho hàng hóa của mỗi nước, bao gồm hạt đậu nành, ô tô điện và rượu whiskey. "Trung Quốc sẽ không ngừng mở cửa thị trường. Cánh cửa sẽ chỉ mở rộng hơn và Trung Quốc sẽ tiếp tục cải cách sâu rộng. Cải cách và mở cửa đã đưa Trung Quốc đạt được vị thế ngày hôm nay," ông Lý bổ sung.

Ông Lý Khắc Cường bày tỏ hy vọng hai nước sẽ đạt được một thỏa thuận. Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina vào tháng này. Ông Lý cho biết "sự phát triển ổn định và tiến triển chắc chắn trong mối quan hệ giữa hai nước mang lại lợi ích cho cả hai bên và thế giới rộng lớn. Hơn nữa, nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới. Chúng tôi hy vọng rằng các cuộc đàm phán sẽ được tiến hành dựa trên cơ sở của sự tôn trọng lẫn nhau, cân bằng, đôi bên cùng có lợi và sự tin cậy phù hợp, do đó mới có thể tìm ra một giải pháp chấp nhận được cho cả hai bên."

 

[Đâu là nghệ thuật tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc?]

Trong bài viết cho tờ Straits Times của Singapore, ông Lý Khắc Cường kêu gọi mở cửa nền kinh tế thế giới trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng và mặt khác kiềm chế những động thái trực tiếp dẫn đến chiến tranh thương mại với Mỹ.

Ngày 12/11, ông Lý Hiển Long lưu ý rằng ASEAN sở hữu tiềm năng to lớn, việc thực hiện các mục tiêu đó tùy thuộc vào quá trình tăng cường liên kết hội nhập. Tại hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ở Singapore, ông kêu gọi kiên quyết theo đuổi mục tiêu này trong điều kiện đối mặt áp lực chính trị với ý tưởng đa phương. Trong tương quan này, các quan sát viên nhận xét rằng ông Lý Hiển Long trước đó từng cảnh báo cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây tác động tiêu cực lớn đến Singapore.

Chuyên gia Nga Viktor Sumsky, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc trường MGIMO nói: "Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là 'thách thức' đối với ASEAN và tính toàn vẹn của tổ chức này. Đây là thách thức đối với sự thống nhất của ASEAN, và tất nhiên cũng là thách thức đối với ý tưởng tự do thương mại, điều rất quan trọng đối với các nước ASEAN với nền kinh tế xuất khẩu. Sự vắng mặt thương mại tự do đang đe dọa cuộc khủng hoảng kế tiếp với mô hình kinh tế xuất khẩu của ASEAN.

 

Chuyên gia cho rằng trong điều kiện diễn ra cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, rất khó cho các nước ASEAN khi tuân thủ nguyên tắc nền tảng của tổ chức là giữ khoảng cách như nhau. Mỗi quốc gia, bằng cách này hay cách khác, đang chịu những hành động để lôi kéo họ đứng về bên này hoặc ngả sang bên kia. Trong trường hợp với người Mỹ, đây có thể là áp lực hoàn toàn trực tiếp. Tất cả những điều đó nếu không phải đẩy tới sự phân ly chia rẽ của ASEAN, thì cũng làm gia tăng những bất đồng nội bộ. Đó là hậu quả nhất định của việc Mỹ và Trung Quốc tham gia vào cạnh tranh cả về kinh tế và chiến lược-theo đánh giá của chuyên gia Viktor Sumsky.

“Trong ASEAN đang có mối lo ngại về xu hướng phân cực của tình hình khu vực và tác động bất lợi của nó với những mối quan hệ trong nội bộ tổ chức này. Trước đó ASEAN có khuynh hướng không tập trung vào vấn đề này mà nhấn nhiều hơn về tính đoàn kết thống nhất. Bây giờ họ đang nói đến bất đồng ngày càng công nhiên thẳng thắn hơn, thực tế đó cho thấy rằng họ rất không thích tình huống như vậy.

Trong dịp hội nghị, các nội dung quan trọng có thể được đề cập là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), cũng như Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông. Trung Quốc là một nhà soạn thảo tích cực và ủng hộ việc nhanh chóng thông qua cả hai văn kiện này. Không ngẫu nhiên mà nhiều nhà quan sát cho rằng sự kiện thông qua những tài liệu này sẽ đánh dấu một thành công lớn của ngoại giao Trung Quốc. Chuyên gia Viktor Sumsky không loại trừ là yếu tố này có thể đóng vai trò trong việc Tổng thống Mỹ từ chối tham gia cuộc gặp Singapore.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lưu ý rằng ông Lý Khắc Cường sẽ đề xuất hơn 30 sáng kiến về củng cố hợp tác khu vực, khắc phục bảo hộ đơn phương, thúc đẩy hệ thống thương mại cởi mở, toàn diện và dựa trên quy tắc quốc tế. Đáng chờ đợi là ông Lý Khắc Cường sẽ kêu gọi huy động nỗ lực chung của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào việc giải quyết tranh chấp thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục