“Thương cho roi cho vọt” hay là bạo hành trẻ?

Câu tục ngữ của cha ông xưa về cách dạy con đã bị không ít người thời nay lạm dụng, không chỉ các bảo mẫu, mà cả các bậc phụ huynh.
Khi được cơ quan chức năng đến kiểm tra, bảo mẫu Trần Thị Phụng, người xuất hiện trong clip mới nhất về bạo hành trẻ em, vẫn bao biện rằng mình chỉ tắm cho bé Ngân.

Trước đó, tại phiên tòa xét xử bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa, bà này cũng cố lý giải những hành động của mình chỉ là “thương cho roi cho vọt”.

Cô giáo Lê Thị Thanh Lan người bị tố hành hạ 4 trẻ khiến chúng bỏ trốn khỏi Nhà Mở (Biên Hòa, Đồng Nai) cũng khăng khăng chối việc hành hạ các em. Người phụ nữ này cho rằng, mình có đánh, “nhưng chỉ là đánh để… dạy dỗ”.

Có thể thấy, câu tục ngữ của cha ông xưa về cách dạy con đã bị không ít người thời nay lạm dụng, không chỉ các bảo mẫu, giáo viên, mà ngay cả các bậc phụ huynh, khiến họ trở thành những kẻ bạo hành trẻ em. Sự bạo hành đó không chỉ về thể xác mà cả về  tinh thần với những lời mắng chửi, sỉ nhục.

Trẻ bị bạo hành từ nhà ra lớp


Bực mình vì cậu con trai lên ba tuổi liên tiếp nghịch phá đồ, vừa hôm trước làm vỡ tan bộ ấm chén đắt tiền, hôm sau lại gạt phăng bộ chén mới tinh xuống đất, anh Hòa (ở Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) túm ngay roi, quật con mấy cái đen đét.

Chị Thi, ở phố Khâm Thiên, Hà Nội, cũng cho biết từng phải đánh mắng khi cô con gái 4 tuổi của chị lười ăn, cứ ngậm cơm mà không chịu nhai. “Cũng phải đe nẹt dần, không thì trẻ con càng lớn càng ương bướng,” chị Thi chia sẻ.

Không chỉ anh Hòa, chị Thi, dùng roi vọt hay quát mắng đang là hình thức “dạy” con được rất nhiều ông bố, bà mẹ áp dụng mà không hề biết rằng, đây cũng là một trong những hình thức bạo hành với trẻ.

Theo bà Đặng Thị Phương Lan, Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Lao động xã hội, kết quả một cuộc điều tra năm 2009 tại các tỉnh Hà Nội, Hải Dương và Hà Tĩnh cho thấy, hình thức bạo lực với trẻ nhiều nhất là về thể chất như đánh, tát, roi vọt, chiếm trên 50%.

Người thường dùng bạo lực với trẻ nhất là bố (52%), mẹ (42%), ngoài ra còn có ông bà, anh chị em.

Bạo lực tinh thần như chửi bới, sỉ nhục, lạnh nhạt, bỏ rơi và nhiều hành vi khác tuy khó nhận biết nhưng số liệu điều tra cũng cho thấy hình thức bạo lực này khá phổ biến. Thậm chí, nhiều trường hợp, cha mẹ còn làm nhục con giữa nơi công cộng, trước đông người khiến các em bị tổn thương. Lý do của những hình phạt này có khi chỉ vì các em trốn học, học kém…

Tiêu biểu như trường hợp hai anh em sinh đôi học lớp 8 ở Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, chỉ vì học không giỏi mà bị mẹ là bà Quảng Thị Kim Liên bắt lột bỏ quần áo, xích chân các em vào cột điện trên đường Võ Thị Sáu để cho mọi người đi qua đường nhìn thấy, làm cho các em xấu hổ, bị xúc phạm. Có nguồn tin cho rằng bà Liên là chị gái của Quảng Thị Kim Hoa.

Cũng vì con bị điểm kém mà một ông bố ở xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, đã bắt con cởi hết quần áo bò xung quanh nhà văn hóa xã giữa trưa nắng.

Lăng mạ, chửi bới trẻ có thể bị phạt 1 triệu đồng

Nhiều người dạy dỗ con cái bằng hình thức roi vọt, cấm đoán, doạ nạt… không biết rằng, họ đã vô tình vi phạm pháp luật và những hành động đó sẽ bị xử phạt.

Các quy định xử phạt được nêu khá chi tiết trong Nghị định số 110/2009/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, được ban hành tháng 12/2009.

Theo đó, hành vi cưỡng ép thành viên gia đình lột bỏ quần áo trước mặt người khác hoặc ở nơi công cộng như trên sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Đây cũng là mức phạt đối với các hành vi lăng mạ, chửi bới, chì chiết các thành viên trong gia đình.

Hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình sẽ bi phạt tiền từ 1 đến 1,5 triệu đồng.

Nghị định cũng quy định phạt tiền từ trên 1,5 đến 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi: đối xử tệ với các thành viên trong gia đình như bắt nhịn ăn, nhịn uống, thường xuyên dọa nạt bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó sợ hoặc, hành vi ép buộc thành viên gia đình phải xem, nghe đọc văn hoá phẩm đồi trụy, kinh dị…

Theo bà Trần Tuyết Ánh, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nghị định số 110/2009/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đã được vụ triển khai. Tuy nhiên, do mới ban hành chưa được một năm nên mức độ hiểu biết của người dân về nghị định này vẫn còn hạn chế.

Nhìn ở một góc độ khác, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng nhiều người vẫn biện minh là vì yêu thương mới tức giận, vì quan tâm nên phải dạy bảo và hình thức dạy bảo lắm khi phải liên quan đến đòi roi, cấm đoán, nghiêm khắc thì con trẻ mới tiến bộ được.

Không ý thức được thế nào là bạo lực nên ranh giới giữa cái gọi là bạo lực hay không bạo lực trở nên mơ hồ với nhiều người. Vì thế, họ đánh đòn, thậm chí mắng chửi, cấm đoán, dọa nạt mà không biết đó cũng là một hình thức bạo hành với trẻ.

Và càng nguy hiểm hơn khi chính những người với trình độ hạn chế, vốn hiểu biết pháp luật, nhân quyền hạn hẹp ấy lại làm nghề bảo mẫu thì tình trạng bạo hành với trẻ là khó tránh khỏi./.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục