"Thượng đế" có bị động trước cây gậy được trao?

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, tới đây doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm “xuyên biên giới” về chất lượng các sản phẩm của mình.
Hiện thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn tăng trưởng mạnh, với tốc độ tăng bình quân hơn 20%/năm, được đánh giá là một trong số thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Mặc dù vượt trội hơn các loại hình bán lẻ khác về dịch vụ và cơ sở vật chất, nhưng ở đâu đó tình trạng khách hàng “tố” mua phải hàng kém chất lượng được niêm yết tại một số siêu thị vẫn không phải là câu chuyện hiếm xảy ra.

Tại hội thảo “Hệ thống bán lẻ hiện đại Hà Nội hướng tới bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng” do Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương tổ chức sáng nay 29/6, đại diện các cơ quan đã chuyển tải những thông tin liên quan đến luật bảo vệ người tiêu dùng và trách nhiệm của doanh nghiệp trong mối liên hệ với khách hàng.

Theo thống kê của Bộ Công thương, chỉ trong 20 năm gần đây, kênh bán lẻ hiện đại đã tăng 40 lần, với khoảng 400 siêu thị nằm ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Ước tính, đến năm 2020 thì siêu thị sẽ chiếm khoảng 35-40% thị phần bán lẻ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Thìn, Trưởng phòng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương lại tỏ ra băn khoăn khi nhiều mặt hàng được niêm yết trong siêu thị có giá cao hơn so với ngoài chợ, thậm chí có doanh nghiệp đem bán hàng giả, hàng kém chất lượng hay hàng đã quá đát sử dụng vào các gian hàng trong siêu thị và trung tâm thương mại.

Thực tế hiện nay đang diễn ra một cuộc cạnh tranh gay gắt và mạnh mẽ giữa siêu thị, chợ và cửa hàng lẻ. Có lúc cao điểm các siêu thị gần như quá tải về phục vụ, trong khi đó tại các chợ lại vắng vẻ, ít người mua.

Như vậy, cần phải nhìn nhận rằng, việc tăng cường hoạt động bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề cấp thiết hiện nay và hệ thống bán lẻ hiện đại, trong đó các siêu thị có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy công tác bảo vệ người tiêu dùng.

Trước thực tế nhiều khách hàng bức xúc trước hành vi “đem con bỏ chợ”, không thực hiện đúng chế độ bảo hành như cam kết, bỏ mặc những quyền lợi thiết yếu của khách hàng…, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết, luật bảo vệ người tiêu dùng có nhiều điểm mới, trong đó qui định rõ, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh và trách nhiệm bảo hành, bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra.

Đặc biệt, những thông tin bảo mật trong các thẻ thanh toán của khách hàng nếu để lộ thì doanh nghiệp sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý.

Thậm chí, luật bảo vệ người tiêu dùng lần này sẽ “tuýt còi” các thông tin đưa trên các quảng cáo không đúng sự thật, đùn đẩy rủi ro cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh nhấn mạnh, tới đây trách nhiệm của doanh nghiệp về sản phẩm không chỉ bó hẹp trong nước mà còn là trách nhiệm “xuyên biên giới”.

Có nghĩa là sản phẩm sẽ được bảo hành ở bất kỳ nước nào nếu khách hàng mua bị lỗi, nhưng ngược lại thì người tiêu dùng Việt Nam cũng có quyền kiện và khiếu nại sản phẩm của nước ngoài không đúng với thông tin được đưa ra.

“Trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng không phải duy nhất của nhà nước mà còn là của bản thân người tiêu dùng, nhưng trách nhiệm của doanh nghiệp sẽ nhiều hơn,” ông Nam cho biết.

Trong thời đại ngày nay, thế giới đã phẳng hơn, nền kinh tế cũng đã hội nhập sâu với thế giới, các đại biểu tham dự hội nghị cũng cho rằng để cạnh tranh với các kênh bán lẻ truyền thống khác, siêu thị cần xây dựng được hình ảnh trên thị trường, lấy mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lên trên hết để tồn tại.

Hơn nữa, nếu thiếu đi vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề kiểm tra, kiểm soát, xử lý vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì câu chuyện bảo vệ người tiêu dùng xem ra khó đi vào cuộc sống.

"Không nên dùng từ: Người tiêu dùng thông thái, mà điều quan trọng là các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng," Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nêu ý kiến./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục