Thương hiệu Việt: Đã lên ngôi nhưng thiếu bền vững

Hơn ba năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” nhiều "hàng nội" đã đến gần hơn với người tiêu dùng.

Từ con số 77% người tiêu dùng ưa chuộng và sử dụng hàng nhãn hiệu nước ngoài thì sau ba năm đã đảo ngược thành 71% người Việt ưa chuộng và sử dụng hàng Việt, nhưng...
Hơn ba năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” nhiều "hàng nội" đã đến gần hơn với người tiêu dùng.

Hoán vị và đổi ngôi...

Thống kê của Bộ Công Thương tại buổi hội thảo "Hàng Việt trong hệ thống bán lẻ hiện đại - Cần một chiến lược lâu dài," do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/9 cho thấy, từ con số 77% người tiêu dùng ưa chuộng và sử dụng hàng nhãn hiệu nước ngoài thì sau ba năm đã đảo ngược thành 71% người Việt ưa chuộng và sử dụng hàng Việt.

Đặc biệt cuộc vận động đã giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức trong việc sản xuất và phân phối các sản phẩm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người Việt để cung ứng cho thị trường. Các chương trình xúc tiến thương mại như đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng Việt về chợ truyền thống đã được triển khai đến hầu khắp các tỉnh thành cả nước.

Kênh bán lẻ hiện đại cũng có bước tiến vượt bậc, chiếm hơn 20% thị phần với 698 siêu thị và trung tâm thương mại, cùng với đó tỷ lệ hàng Việt đang được bán trong các kênh này cũng chiếm tỷ lệ cao từ 70%-98%...

Tuy nhiên, điều này chưa vội mừng bởi ở một góc độ khác, đại diện Hiệp hội bán bán lẻ Việt Nam cho rằng, cần phải đánh giá chính xác tỷ lệ hàng Việt trong các kênh bán lẻ hiện đại khác nhau để có một chiến lược kinh doanh lâu dài và phù hợp.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, tỷ lệ 80%-100% hàng Việt chỉ tập trung vào các thành viên của hiệp hội như CoopMart, Vinatexmart, Hapro...

Trong khi đó, tại các cửa hàng đặc chủng, chuyên doanh như Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Topcarre... thì hàng Việt chỉ có chưa đầy 50% trong tổng số các mặt hàng bày bán do trình độ sản xuất của chúng ta còn thấp, không đáp ứng được chủng loại và mẫu mã. Còn tại cửa hàng tiện lợi thì hàng Việt chỉ chiếm khoảng 60%, trong khi các cửa hàng bách hóa, siêu thị, trung tâm thương mại hàng hiệu thì tỷ lệ hàng Việt ở đây rất thấp.

Đơn cử, đối với những ngành hàng thực phẩm thì tại các siêu thị hàng Việt chiếm từ 85%-95%, trong khi ngành hàng tiêu dùng lại khá yếu thế, chỉ từ 50%-60%, thậm chí có thời điểm thì tỷ lệ này còn xuống dưới mức 40%.

Vẫn câu chuyện bao bì, mẫu mã

Thực tế hiện nay, việc đưa hàng Việt đi sâu vào hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trước hết là do nhiều sản phẩm chất lượng chưa cao, quy cách đóng gói, bao bì còn đơn điệu chưa bắt mắt và theo kịp với thị hiệu người tiêu dùng.

Từ kinh nghiệm của một nhà bán lẻ hiện đại nhiều năm đồng hành với các chương trình hàng Việt, bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Coop cho rằng, việc sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá thành phù hợp là yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp.

"Ở đây không chỉ đề cập đến chất lượng thực do nhà máy sản xuất ra mà còn là chất lượng cảm nhận được người tiêu dùng trải nghiệm," bà Hạnh nêu ý kiến.

Theo bà Hạnh, để đảm bảo có được "cầu nối" bền chặt thì bản thân nhà sản xuất và nhà bán lẻ cần xác định ngay từ đầu những cam kết cùng đồng hành phát triển nhằm mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Lấy lại hình ảnh một lát cắt kinh doanh thời trang trực tuyến do nước ngoài thực hiện, bà Đinh Thị Mỹ Loan phân tích, tại Mỹ doanh số bán sản phẩm qua kênh này ước tính đạt 41 tỷ USD trong năm 2012 và tăng lên 73 tỷ USD vào 2018. Nhưng ở Việt Nam, nhìn vào các trang mạng bán hàng trực tuyến chỉ có dấu hiệu khởi sắc một vài nhãn hiệu thời trang thương hiệu Việt, trong khi chủ yếu vẫn là hàng nhập khẩu.

Thiếu chiến lược dài hơi và bền vững

Để hàng Việt chiếm lĩnh người tiêu dùng,  có sự lan tỏa mạnh mẽ và bền vững trong đời sống tiêu dùng, có thể cạnh tranh với hàng nhập ngoại thì rất cần một chiến lược dài hơi, trong đó trách nhiệm chính đang đặt trên vai doanh nghiệp.

Chính các doanh nghiệp phải tự tìm cho mình một  hướng đi cụ thể,  vào từng phân khúc thị trường, có mẫu mã, giá cả hợp lý. Đặc biệt "kinh tế hình ảnh" phải được chú trọng như một "vũ khí" quan trọng nhằm đưa hàng Việt có thể cạnh trạnh với hệ thống marketing khổng lồ trên thế giới.

"Không phải bất cứ sản phẩm Việt nào cũng cần phải ưu tiên, trong bối cảnh hiện nay và thói quen người tiêu dùng thì buộc phải chọn sản phẩm chủ lực nào để quảng bá, tránh phân tán nguồn lực," bà  Đinh Thị Mỹ Loan cho hay.

Hơn nữa, khi đã xây dựng được chiến lược sản phẩm thì một các hết sức quan trọng là phải làm tốt công tác truyền thông. Theo đề xuất của bà Đinh Thị Mỹ Loan cần có chiến lược và đổi mới một cách toàn diện công việc này, bởi lẽ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã bước sang năm thứ ba rồi nên cần tránh nhàm chán và hoạt động phải hiệu quả hơn.

Thêm vào đó, cần tập trung vào hệ thống phân phối và phát triển thị trường nội địa; đánh giá được sự thay đổi vai trò của nhà sản xuất và phân phối trong quá trình lưu thông.

Tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, cuộc vận động sẽ được tiếp tục quán triệt và triển khai sâu rộng hơn nữa theo đúng chương trình chung của Trung ương. Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống phân phối thì các chương trình đào tạo về văn minh thương mại cho người bán hàng cũng sẽ được nhân rộng.

"Tuy nhiên, về lâu dài trọng trách chính vẫn thuộc về các doanh nghiệp góp phần đưa thương hiệu Việt ngày càng vươn xa hơn," Thứ trưởng Thoa nói./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục