Thưởng lãm nét văn hóa độc đáo của người Cơ Tu tại Thủ đô

Người dân Hà Nội có cơ hội tìm hiểu về nhà Gươl - ngôi nhà chung linh thiêng của đồng bào Cơ Tu, tham dự nghi lễ đám cưới cùng nhiều sinh hoạt văn hóa hết sức độc đáo của người Cơ Tu.
Thưởng lãm nét văn hóa độc đáo của người Cơ Tu tại Thủ đô ảnh 1Điệu múa tung tung da dá của dân tộc Cơ Tu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 17/8 cho biết, nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2015) và Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945-28/8/2015), Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu với du khách về truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của đồng bào dân tộc Cơ Tu huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Chương trình diễn ra từ ngày 19/8 đến hết ngày 23/8 với nhiều hoạt động ẩm thực, lễ hội, dân ca, dân vũ, âm nhạc, nhạc cụ, trò chơi dân tộc, các hoạt động giới thiệu sản vật... Thông qua đó, Ban tổ chức mong muốn từng bước tổ chức các hoạt động thường xuyên, phục vụ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đoàn nghệ nhân dân tộc Cơ Tu, tỉnh Quảng Nam sẽ trình diễn nói lý, hát lý, dân ca dân vũ, trang trí không gian nhà ở, kẻ vẽ họa tiết, hoa văn trang trí nhà mới, giới thiệu nghề thủ công truyền thống và không gian giới thiệu nhạc cụ dân tộc Cơ Tu tỉnh Quảng Nam như dệt, nghệ thuật điêu khắc, đan lát, chế tác nhạc cụ Hroa, đàn Abel để kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Ngày truyền thống Ngành Văn hóa. Bên cạnh đó là phần giới thiệu ẩm thực dân tộc Cơ Tu góp phần tiếp vận lương thực trong cuộc kháng chiến thống nhất đất nước.

Đồng bào dân tộc Cơ Tu huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam cũng sẽ vào Lăng viếng Chủ Tịch Hồ Chí Minh và thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Đặc biệt, trong chương trình lần này, các nghệ nhân sẽ tái hiện lễ mừng nhà Gươl (Langtơrí) và lễ cưới truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu, đồng thời giới thiệu những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của đồng bào đến với công chúng Thủ đô.

Đồng bào dân tộc Cơ Tu tỉnh Quảng Nam hiện đang sinh sống chủ yếu ở 3 huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Nhắc đến tộc người Cơ Tu, không thể không nhắc đến Gươl, ngôi nhà chung của đồng bào, do chính người trong làng lập nên.

Thưởng lãm nét văn hóa độc đáo của người Cơ Tu tại Thủ đô ảnh 2Sinh hoạt văn hóa trong nhà Gươl của người Cơ Tu. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Theo quan niệm của người Cơ Tu, Gươl là chốn linh thiêng nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên họ. Trong Gươl, mọi người không được đánh cãi nhau mà luôn đoàn kết đùm bọc thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh vì sự tồn tại và phát triển giống nòi của cộng đồng người Cơ Tu.

Gươl là nơi để Hội đồng già làng (Tacooh pươl) họp bàn và quyết định những vấn đề hệ trọng của cộng đồng… Đây cũng là nơi diễn ra nhiều lễ hội truyền thống như lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê), lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơ Tu (Pơ-ngoót), lễ ăn mừng được mùa (Bhuối Aví)…

Là loại hình kiến trúc độc đáo, Gươl là sản phẩm văn hóa đã được đồng bào dân tộc Cơ Tu sáng tạo từ lâu đời, mang sắc thái đặc thù lãnh thổ rất rõ rệt của cộng đồng. Gươl cũng gắn với cồng chiêng, những điệu múa tung tung-da dá, những đêm hát lý của người Cơ Tu. Gươl không thể thiếu trong đời sống văn hóa-xã hội và tinh thần của người Cơ Tu...

Đám cưới của người Cơ Tu thể hiện sự tinh tế trong những lời nói lý, hát lý đầy ẩn dụ. Trong lễ cưới của người Cơ Tu, rượu tà vạt và rượu cần là hai thức uống không thể thiếu, thường thì cha của chú rể sẽ mời rượu nhà gái.

Trong đám cưới, hai bên gia đình sẽ dâng rượu mời thần linh để thể hiện lòng biết ơn trước ông bà, tổ tiên. Sau nghi thức này, các thành viên hai bên gia đình cùng hát điệu lý - nghi thức bắt buộc trong lễ cưới của người Cơ Tu. Điệu lý này có ý nghĩa hai gia đình nhà gái trao của hồi môn cho cô dâu, chú rể.

Sau phần hát lý trao của hồi môn là nghi thức Dưm (nghi thức cảm tạ đất trời). Đây là nghi thức khá độc đáo có lịch sử hàng ngàn năm của người Cơ Tu mà hiện nay ít được phổ biến.

Khi hoàn thành xong các nghi lễ, cuối cùng sẽ là lễ đâm trâu mừng đám cưới, cầu khẩn thần linh cho mùa màng bội thu, buôn làng mạnh khỏe, sống lâu, nhiều con, nhiều cái…/. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục