Thương mại điện tử - Điểm “nóng” trong tái đàm phán NAFTA

Đề xuất của Mỹ với Mexico​ và Canada​ về việc nâng hạn mức mua hàng được miễn thuế từ các trang thương mại trực tuyến đang trở thành một điểm nóng trong tiến trình tái đàm phán NAFTA sắp diễn ra.
Thương mại điện tử - Điểm “nóng” trong tái đàm phán NAFTA ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: taka.com.vn)

Đề xuất của Mỹ với Mexico​ và Canada​ về việc nâng hạn mức mua hàng được miễn thuế từ các trang thương mại trực tuyến đang trở thành một điểm nóng trong tiến trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sắp diễn ra.

Cụ thể, đại diện thương mại của Mỹ đề xuất Mexico và Canada nâng mức giá trị mua hàng trực tuyến được miễn thuế nhập khẩu lên 800 USD như đang áp dụng tại Mỹ, thay vì các mức 50 USD và 20 CAD lần lượt tại các nước trên.

Đề xuất này đang bị các ngành công nghiệp "dễ bị tổn thương" như giày dép, dệt may và các cửa hàng bán lẻ truyền thống của Mexico và Canada phản đối mạnh mẽ.

Đối với người Mexico, mối lo ngại chính là động thái trên có thể mở ra cánh cửa cho hàng nhập khẩu giá rẻ từ châu Á và các khu vực khác ồ ạt tràn vào thị trường nước này. Còn các nhà bán lẻ Canada lo ngại các công ty thương mại điện tử sẽ phá giá.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Mexico và Canada cho rằng các nhà bán lẻ trực tuyến phải chứng minh được các sản phẩm có xuất xứ từ Bắc Mỹ, nếu không các sản phẩm này vẫn phải chịu thuế nhập khẩu.

Cuộc tranh cãi trên cũng khiến thương mại điện tử nổi lên như một lĩnh vực hiếm hoi đang được chính quyền của Tổng thống Donald Trump đẩy mạnh việc tự do hóa các quy tắc thương mại chứ không phải là thắt chặt chúng.

Vòng đàm phán lại đầu tiên về NAFTA sẽ diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ) từ ngày 16-20/8 tới.

Dự kiến, các bên liên quan sẽ tiến hành bảy vòng đàm phán, mỗi vòng đàm phán cách nhau ba tuần và cố gắng hoàn tất việc cập nhật hiệp định vào đầu năm 2018.

[Canada công bố quyết định thành lập Hội đồng Cố vấn NAFTA]

NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích hiệp định thương mại này là "một thảm họa" và cho rằng đây là nguyên nhân khiến Mỹ mất đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp và thâm hụt trong hoạt động thương mại.

Theo ông Keith Head, chuyên gia thương mại tại Đại học British Columbia ở Vancouver của Canada, phái đoàn của Canada dự kiến đến Mỹ trong tuần tới để tham dự vòng đàm phán lại đầu tiên về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và đoàn sẽ phải thận trọng khi vấn đề bất đồng thương mại Mỹ-Mexico có thể gây khó cho Canada.

Theo kế hoạch, tiến trình đàm phán lại NAFTA giữa ba nước trên sẽ bắt đầu từ ngày 16/8 tại Washington (Mỹ).

Ông Keith Head cho hay Chính phủ Canada đến nay chỉ công bố rất ít thông tin về mục tiêu của nước này tại tiến trình đàm phán lại NAFTA.

Còn nhà kinh tế Richard Harris của Đại học Simon Fraser tại Burnaby (British Columbia) cho rằng khó có thể biết chính xác chiến lược đàm phán của phái đoàn Canada trong vòng đàm phán lần này.

Ngoài ra, ông Head cho biết chính quyền Mỹ có thể muốn dựng lên một số rào cản thương mại đối với Mexico nhằm hạ thấp mức thặng dư thương mại của Mexico với Mỹ.

Dự kiến, vòng thứ hai của tiến trình đàm phán lại FTA dự kiến diễn ra tại Mexico vào tháng 9/2017.

Năm 1994, Mỹ, Mexico và Canada ký kết NAFTA để dỡ bỏ các rào cản đối với sự dịch chuyển hàng hóa và người lao động giữa ba nước, đồng thời thiết lập một quy trình giải quyết độc lập tranh chấp thương mại.

Theo số liệu thống kê của Mỹ, trong năm 2016, Mỹ xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 266,8 tỷ USD sang Canada, trong lúc con số theo chiều ngược lại là 277,7 tỷ USD, khiến Mỹ thâm hụt thương mại 10,9 tỷ USD với Canada./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục