Thương mại hai chiều Việt Nam-Pháp đạt gần 1,2 tỷ USD quý đầu năm

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12 diễn ra từ 13/4 đến 15/4 tại Hà Nội, được coi là sẽ góp phần mở ra giai đoạn quan trọng cho việc ký kết các quan hệ đối tác mới.
Thương mại hai chiều Việt Nam-Pháp đạt gần 1,2 tỷ USD quý đầu năm ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên giới thiệu trái cây Việt Nam với khách hàng tham dự sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị Carrefour của Pháp, ngày 4/11/2021. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)

Quan hệ thương mại Việt Nam và Pháp liên tục đạt mức cao trong thời gian qua. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước Việt Nam-Pháp đạt 5,34 tỷ USD, mức cao thứ hai chỉ sau năm 2019 (5,38 tỷ USD).

Tính riêng quý 1/2023, thương mại song phương đạt khoảng 1,191 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Pháp 808,6 triệu USD và nhập khẩu từ thị trường này 382,6 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) sẽ là những yếu tố quan trọng giúp hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trong kinh tế, thương mại và đầu tư.

"Để nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định EVFTA, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác và nhận được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Pháp trong quá trình triển khai thực thi EVFTA," ông nói.

Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp được đặt nền móng từ năm 1989 với việc thành lập quan hệ đối tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile de France. Đến năm 1996, Hà Nội thiết lập quan hệ với thành phố Toulouse.

[Hội nghị Việt-Pháp: Cơ hội quảng bá hình ảnh Thủ đô tới du khách]

Quan hệ hợp tác giữa thành phố Hà Nội với các địa phương của Pháp được thực hiện trên nhiều lĩnh vực như: viện trợ phát triển, giúp đỡ chuyên gia, đầu tư trực tiếp, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa của thành phố Hà Nội.

Hơn 30 năm qua, hình thức hợp tác này không ngừng được củng cố, phát triển và đã trở thành kiểu mẫu cho quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa các cấp địa phương của hai nước. Đến nay, đã có trên 33 tỉnh, thành phố của Việt Nam và 24 địa phương của Pháp hợp tác với 55 dự án và thỏa thuận hợp tác cấp địa phương.

Các dự án hợp tác tập trung vào các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của địa phương Việt Nam và thế mạnh của Pháp như: văn hóa, ngôn ngữ, du lịch, bảo tồn-bảo tàng di sản, nước và vệ sinh môi trường, quy hoạch đô thị, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, đào tạo nghề, y tế, phát triển bền vững, môi trường, phát triển nông nghiệp và nông thôn.

- Thương mại song phương Việt Nam-Pháp:

Thương mại hai chiều Việt Nam-Pháp đạt gần 1,2 tỷ USD quý đầu năm ảnh 2

Tính đến năm 2022, hai nước đã phối hợp tổ chức thành công 11 kỳ họp về hợp tác phi tập trung luân phiên. Đặc biệt, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12 diễn ra từ 13/4 đến 15/4 tại Hà Nội, được coi là sẽ góp phần mở ra giai đoạn quan trọng cho việc ký kết các quan hệ đối tác mới.

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho biết ngoài những nội dung quan trọng, mang tính thời sự được hai nước quan tâm như phát triển số, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa… Hội nghị lần thứ 12 còn có 15 sự kiện quan trọng và có những điểm mới.

Đó là, bên cạnh những thành tựu chung về phát triển hợp tác 50 năm qua về văn hóa, giáo dục, môi trường, Hội nghị còn quan tâm đến tăng cường hiệu quả của hợp tác kinh tế: động lực để phục hồi, phát triển bền vững, toàn diện, qua đó, xúc tiến các hoạt động hợp tác thực chất, hiệu quả của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hai nước, nhất là Thủ đô Hà Nội để tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hai bên.

Với chủ đề “Hợp tác địa phương: Động lực phục hồi và phát triển bền vững toàn diện sau đại dịch COVID-19,” Hội nghị lần thứ 12 dự kiến có sự tham gia của 50 địa phương Việt Nam, 12 địa phương Pháp với trên 800 đại biểu của cả phía Việt Nam và Pháp.

Ngoài các phiên hội thảo chuyên đề, nhiều hoạt động bên lề cũng được tổ chức nhằm thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, giao lưu giữa các địa phương, đối tác của hai nước gồm: Không gian quảng bá các địa phương “Sắc màu Việt Nam” với quy mô 80 gian hàng quảng bá, giới thiệu về văn hóa, địa điểm du lịch, các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của các địa phương Việt Nam.

Lễ hội “Balade en France/Dạo chơi nước Pháp” với quy mô 50 gian hàng của các doanh nghiệp Pháp - Việt hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, thực phẩm, được tổ chức dưới hình thức hội chợ nhằm giới thiệu đến công chúng về ngành nông nghiệp, công nghệ thực phẩm Pháp và nghệ thuật văn hóa ẩm thực Pháp.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Pháp với mục đích kết nối cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với địa phương, địa phương với địa phương hai nước, dự kiến đón tiếp gần 400 đại biểu các chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp hai nước.

Bên lề Diễn đàn, nhiều hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc giữa chính quyền với chính quyền (G2G), chính quyền với doanh nghiệp (G2B), doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).

Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Thành phố Toulouse tổ chức Triển lãm “Từ lòng đất đến bảo tàng,” trưng bày các di tích, di chỉ khảo cổ học tại khu di sản Hoàng Thăng Thăng Long vào 14h00 ngày 13/4 tại khu Di sản Văn hóa Thế giới Hoàng Thành Thăng Long và Hội thảo “Phát huy giá trị không gian khảo cổ học tại Hoàng Thành Thăng Long” diễn ra vào 15h tại khu Di sản Văn hóa Thế giới Hoàng Thành Thăng Long.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục