Thưởng ngoạn Thung Nai mùa nước cạn

Cách Hà Nội 100km theo hướng Sơn La, Tây Bắc, đi qua Thủy điện Hòa Bình, bạn sẽ tới Thung Nai - thung lũng toàn nai thuở hồng  hoang.
Chỉ cần hai ngày cuối tuần, bạn sẽ được hưởng thụ cảnh non nước hữu tình, nếm trải qua những cảm giác thành bình, vui vẻ, hòa đồng với mọi người, và thêm điều này: Chi phí khá rẻ, khoảng 300.000 – 400.000 đồng/người cho hai ngày du hí. Còn ngần ngại gì nữa nhỉ? Lên đường thôi!
 
Cối xay gió
 
Chỉ cần xa Hà Nội 100km theo hướng Sơn La, Tây Bắc, đi qua Thủy điện Hòa Bình bạn sẽ tới Thung Nai. Và có hai cung đường cho bạn lựa chọn. Một: bạn sẽ đi qua thị trấn Hòa Bình êm ả với các nhà sàn gỗ ven đường để tới được Thung Nai. Hai: bạn không đi đường bộ, mà gửi xe và đi thuyền từ cảng Bình Thanh (ngã ba Chăm Mát) để tới Thung Nai.
 
Người dân Hòa Bình trước kia vẫn thường kể cho nhau nghe về một thung lũng được bao quanh bởi những ngọn núi cao vút, bốn bề mây phủ. Thời xa xưa ấy, các loài vật như hổ, báo, hươu, nai thường kéo nhau về đây sinh sống. Nhiều nhất vẫn những bầy nai tha thẩn bên các dòng suối thơ mộng, từ đó người ta gọi đây là Thung Nai, tức là một thung lũng toàn... nai. Nghe đã thấy lãng mạn rồi.
 
Dĩ nhiên, đó là thời... hồng hoang thôi. Còn bây giờ, thung lũng đó chính là nơi chứa nước của sông Đà khi nhà máy Thủy điện Hòa Bình được xây dựng. Toàn bộ nước sông Đà bị dồn và trút xuống Thung Nai. Một sự kết hợp hay ép buộc không biết nói là kỳ diệu của con người với thiên nhiên, hay ngược lại. Có lẽ, là cả hai.
 
Trên đường đến Thung Nai, bạn sẽ được lênh đênh trên sông Đà khoảng 10 phút nếu chạy tàu máy, và 20 phút nếu bạn đi thuyền chèo tay. Từ xa, một chiếc cối xay gió to lừng lững ven mặt sông làm du khách cảm thấy ngỡ ngàng.
 
Hóa ra ở Việt Nam cũng có chiếc cối xay gió lừng danh giống như trong tiểu thuyết “Don Kihote - nhà quý tộc tài ba xứ Manta” của đại văn hào Cervantes. Rời thuyền, bạn sẽ leo lên đỉnh núi, trèo lên những bậc cao được chắn bởi những cây gỗ nhỏ.
 
 Và con đường đó được phủ mát rượi bởi những dây mướp leo xanh rờn, lấp ló những quả khô lúc lỉu. Leo lên đỉnh (an tâm, gọi là núi, nhưng nó không cao lắm), bạn đã đến chân của chiếc cối xay gió.
 
Ông chủ nhà khách “Bạn bè” - người dựng lên chiếc cối xay gió nói rằng: “Chiếc cối xay gió này sẽ trở thành một quầy bar có rượu vang - café - sinh tố - cocktail - trà và đủ các thứ để phục vụ nhu cầu thưởng thức của quý khách”. Đúng vậy, chẳng tội gì, ở một nơi có “view” tuyệt vời như vậy.
 
Từ trên đỉnh của chiếc cối xay gió này, hoặc từ trên tầng 2 của nhà khách, bạn đã có thể phóng tầm mắt mình ra xa, ngắm toàn bộ quang cảnh Thung Nai trước mắt.
 
Ẩm thực xứ Mường
 
Ở Thung Nai, mọi thứ đều mới mẻ, nó mới chỉ xuất hiện trên bản đồ du lịch nên cũng ít người biết đến. Nếu bạn là một tay ưa tự do, không thích sự sắp đặt, bạn có thể lênh đênh trên sông nước, và ở đâu cũng là nhà, ai cũng là bạn, ăn đâu cũng xong, nằm đâu cũng là giường.
 
Cái sự khoáng đạt và không cần chủ đích bởi bạn thích như vậy sẽ đem lại nhiều điều bất ngờ. Nhưng khi bạn cần chu đáo, cho bạn bè, gia đình, hay người thân, thì bạn nên nghỉ tại nhà khách “Bạn bè”. Ở đó sẽ có đầy đủ - nhưng trong khuôn khổ cho phép - các nhu cầu tối thiểu của bạn.
 
Chẳng hạn như, bạn sẽ được ăn thức ăn của xứ Mường được nấu bởi người Mường, theo một thực đơn có sẵn. Sáng sớm, sẽ chỉ đơn giản là món mì tôm nấu thịt kèm tô rau sống.
 
Thức ăn gồm cá sông được rán giòn, hoặc xông khói, thịt lợn Mường nướng mắc mật, canh cá chua nấu lá giang, thịt hun khói (theo công nghệ... Nga - bởi ông chủ là một người từng du học bên Nga), thịt gà luộc hoặc rán.
 
Lại thêm món cá cuốn lá lốt kèm theo lá mơ, đinh lăng, chuối, khế... thái chỉ (con cá bé tí xíu được cuộn vào trong) chấm với mắm ớt. Rượu thì khỏi nói. Mỗi bàn một âu đầy, như thể đương nhiên phải có rượu, đương nhiên phải uống rượu.
 
Màu rượu khiến cho bạn có thể lầm là âu nước trà đá như quen lệ ở Hà Nội hay Sài Gòn. Đồ ăn thức uống, có thể hợp với bạn, hay không hợp, nhưng có một thứ đặc biệt, mà nếu may mắn bạn sẽ được thưởng thức.
 
Đó là cứ dăm bữa nửa tháng, ông chủ tên Trần Đức Duy - vốn là người làm việc ở Viện Khoa học Kỹ thuật Quân sự ở đường Hoàng Quốc Việt sẽ về Thung Nai một lần. Vào buổi tối, nếu như trời đẹp, mọi người sẽ đốt lửa trại ngoài trời, bên cạnh sông nước núi non hữu tình kia, cùng nắm tay nhảy múa.
 
Còn nếu không, thì cùng cà kê nhấm chén rượu Mường, nghe tiếng đàn guitar tình tang cùng ông chủ, hát lên những bản tình ca như “Đôi bờ”, “Chiều Mátxcơva”... Ông chủ tự bạch rằng mình là người ham... chơi, qua những lần đi săn ở Thung Nai, thấy phong cảnh quá đẹp, nên cùng anh em bạn bè chung nhau dựng lên cái nhà khách “Bạn bè”.
 
Từ ngày xuất hiện Cối xay gió này, mấy anh em đi du lịch biết đến, nên thường gọi là nhà khách “Cối xay gió” thôi mấy anh em đến đây là quý hóa lắm rồi, ở đây chúng tôi chỉ bình dân vậy thôi, mong mọi người thông cảm”.
 
Đúng thật, ở đây dạt dào tình người nhiều quá, các đoàn khách dù ở nơi phương trời nào cũng tự nhiên cảm thấy xích lại gần nhau, cùng hát chung bài ca theo tiếng đàn tiếng sáo.
 
Chị Nhi người Mường, đến từng bàn, tay cầm chén rượu mời cả đoàn, rồi tự nhận rằng: “Mình là người Mường, mình nấu ăn không có ngon lắm đâu, mình biết gì nấu đấy thôi, mọi người bỏ qua cho mình nhé.” Nào ai dám giận gì chứ, nào ai dám trách gì chứ.
 
Đang vui thế cơ mà. Và thế là tiếng hát Tây Bắc chen lẫn dân ca xứ Mường vang lên, kéo dài đến đêm khuya...
 
Bà chúa Thác Bờ
 
Tiếp tục cuộc hành trình, du khách sẽ được đi thuyền tới chợ nổi trên sông hay còn gọi là chợ Bờ. Đây là chợ của người Kinh bán hàng cho người Mường và người Mường bán các sản vật trong rừng cho người Kinh.
 
Chợ không được tấp nập như chợ nổi miền Tây Cần Thơ nhưng thực sự cần thiết và tạo nên một cảnh quan khá đẹp cho những ai ưa chụp hình. Cách chợ nổi không xa, đó chính là đền thờ bà chúa Thác Bờ.
 
Bà chúa Thác Bờ thượng nguồn sông Đà nổi tiếng linh thiêng, dân “hầu đồng” không ai không biết nơi này. Trước kia, Thác Bờ chính là một con thác hiểm trở, hung dữ, khó trị trên dòng sông Đà.
 
Thuyền bè qua lại nơi này thường bị đắm, tai nạn xảy ra nhiều. Dòng thác hung dữ đó được coi là khó vượt nhất trên sông Đà. Tương truyền ở nơi này có hai bà chúa được vua Lê Lợi phong ban chiếu lập đền thờ.
 
Đó là bà chúa người Mường và bà chúa người Dao chuyên lo quân lương thuyền bè, từ đó, dân thuyền bè thường ghé lại thắp hương cầu xin bà chúa Thác Bờ phù hộ cho chuyến đi được may mắn. Dân đi lễ thường mua những con ngựa đủ các sắc màu và thuyền giấy màu (thường là màu trắng) rất to để cúng các bà.
 
Quanh các ngôi đền có các mế người dân tộc bán các thứ thuốc lá, rễ cây, măng khô đặc sản Hòa Bình. Măng khô Hòa Bình khá ngon bởi măng được phơi trên gác bếp không ngâm thuốc như ngoài chợ dưới xuôi. Đặc biệt, ở đây còn có lá cây xạ đen phơi khô được bán với giá 100.000 đồng/kg.
 
Lá này đun lên làm nước uống thay nước lọc, có tác dụng giã rượu, giải độc, mát gan. Không phải mế nào cũng có lá xạ đen để bán bởi nó rất khó kiếm. Chính vì vậy, nếu gặp thì bạn hãy tranh thủ... mua ngay kẻo phí.
 
Cứ nhìn ông chủ Duy thì biết, mỗi lần tiếp khách của ông là không biết bao nhiêu chén rượu, nên lúc nào cũng thấy ông đi kèm với một chai nước lá xạ đen. Ông bảo đây là thần dược, phải uống vào cho... giã rượu.
 
Lá này tốt lắm, anh em nên uống nhé. Đã được nghe dặn dò như vậy, nên mọi người sau khi lễ bà chúa Thác Bà xong thì tay xách nách mang người thì lá xạ đen, người thì măng khô, người măng tươi, người thuốc lá chữa ho hen dị ứng, đau lưng, người thì tiếc của buồng chuối lá vừa rẻ vừa ngon, ở Hà Nội thì cứ phải cả trăm ngàn chứ chẳng đùa.
 
Người “tinh” chuyên đi săn đồ xưa, “gạ” được bà mế bán cho cái khăn đội đầu có những nét thêu cổ. Bà mế bán khăn xong có cảm giác cứ ngại ngần, ngường ngượng, phải mượn khăn người khác quấn ngay lên đầu./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục