"Thượng phương bảo kiếm" cho huấn luyện viên

Trước mùa giải 2009, thật là khó kể tên vị huấn luyện viên nào là người được trao toàn quyền quyết định những vấn đề của đội bóng.
Cho đến trước mùa giải 2009, thật là khó kể tên vị huấn luyện viên nào là người được trao toàn quyền quyết định những vấn đề của một đội bóng.

Có một cụm từ rất quen thuộc mà giới huấn luyện viên cả nội lẫn ngoại từng làm việc ở bóng đá ta hay than thở nhất: “Tôi bị can thiệp quá nhiều về chuyên môn”. Nhưng, nhiều “thuyền trưởng” khi đặt bút xuống bản hợp đồng đều khó viết nên yêu sách kiểu “tôi phải được toàn quyền quyết định về chuyên môn”.

Nếu là đội bóng bao cấp thì họ thừa hiểu ngoài lãnh đạo địa phương còn rất lắm “thầy”. Kể cả ông Giám đốc Sở Thể dục thể thao cũ cũng có thể nhảy bổ vào chỉ đạo. Hình ảnh trong một trận đấu cầu thủ loạn cả lên khi quá nhiều ý kiến chỉ đạo từ phía ban huấn luyện quá phổ biến ở Việt Nam.

Nếu là đội bóng của doanh nghiệp, họ sẽ bị chi phối rất nhiều bởi phần lớn các ông bầu cũng rất thích chỉ đạo khi cảm thấy “gai mắt” và xót của!

Có lẽ, người đầu tiên dám mời ông chủ lên khán đài chỉ có mỗi huấn luyện viên Lê Thuỵ Hải. Đấy là năm 2004, lúc ông làm ở LG Hà Nội ACB. Ông Hải “lơ” đã từng làm bầu Kiên giận tím cả mặt khi trong một trận đấu ông Kiên xuống chỉ trỏ vào sa bàn liền bị ông huấn luyện viên tính nóng như Trương Phi đốp chát: “Chỗ này không phải của ông mà là trên khán đài kìa”.

Khi được mời vào Đà Nẵng năm 2005, ông Hải cũng thẳng ruột ngựa với lãnh đạo thành phố yêu cầu để ông yên chuyện chuyên môn. Thời gian đầu, đúng là ông Hải thỏa nguyện thật. Kể cả chuyện chấm lương, thưởng, vị huấn luyện viên họ Lê cũng trực tiếp làm dựa vào cống hiến, thái độ tập luyện cùng tần số ra sân.

Thế nên, đấy còn là một vũ khí để các cầu thủ khó trị nhất cũng chết khiếp huấn luyện viên Lê Thuỵ Hải. Ông Hải vào Bình Dương thành công cũng nhờ được tự quyết quá nhiều thứ. Ở Thể Công bây giờ cũng vậy.

Nhưng phải nói người tạo dựng được “đế chế” tại một câu lạc bộ ở  Việt Nam chính là huấn luyện viên Calisto. Ông “Tô” ngoài đưa một đội bóng ít tên tuổi lên tầm thế lực mạnh ở nền bóng đá ta thì còn là một vị Giám đốc kỹ thuật đúng nghĩa trong lộ trình phát triển của “Gạch”.

Hôm tôi trò chuyện với Xuân “xìu” (cựu cầu thủ Đồng Tạm Long An Lê Thanh Xuân), anh này thừa nhận việc đuổi Thanh Xuân là do ông Tô quyết trước.  Đến thời điểm này Xuân “xìu” vẫn không oán thán vì ông thầy quá chuyên nghiệp và có cái tâm thật sự với bóng đá Long An. Huấn luyện viên này ra đi, đội bóng của bầu Thắng chếnh choáng thấy rõ...

Dù chỉ một mùa bóng dẫn dắt Đà Nẵng, nhưng cách thức quản lý, xây dựng đội bóng chịu nhìn về một hướng của ông Hải đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy của những người làm bóng đá sông Hàn. Trong đó, Huỳnh Đức xứng đáng là đệ tử chân truyền của ông thầy cùng họ Lê. Huỳnh Đức cũng phải thừa nhận đã học hỏi được thầy Hải quá nhiều. Cách quản lý đội bóng, chia tiền, đấy là điều rõ nhất.

Bóng đá Đà Nẵng vốn khó trị, không ai cầm được. Đơn giản bởi trước khi Huỳnh Đức cầm quân, chỉ có lãnh đạo thành phố là to nhất. Tiền bạc, chuyện đất đai đều do trên quyết. Cầu thủ chỉ nể lãnh đạo thành phố còn huấn luyện viên trưởng hay ông chủ tịch câu lạc bộ không oai gì.

Ngược lại, các vị lãnh đạo thành phố phải nịnh cầu thủ để họ chịu đá. Ngay cả thời huấn luyện viên Phan Thanh Hùng, mang tiếng nắm quyền rồi nhưng ông cũng không thể làm căng với cầu thủ.

Ngược lại, ngay từ khi lên cầm quân, Huỳnh Đức đã được bầu Hiển giao “thượng phương bảo kiếm”, toàn quyền quyết định mọi vấn đề của SHB Đà Nẵng. Cái chức chủ tịch hội đồng huấn luyện viên địa phương càng khiến vị huấn luyện viên này có quyền sinh quyền sát. Các công thần bóng đá Đà Nẵng tất nhiên oán thán trong lòng, nhưng đành chịu.

Chưa biết các tuyến trẻ thế nào nhưng Huỳnh Đức đã thành công, cầm được quân và chứng minh được bài toán “quản trị” vốn hóc búa và khiến bầu Hiển đau đáu nhất trong quá trình chuyển giao. Ông Hiển bây giờ đã hoàn toàn yên tâm về “mảng Đà Nẵng” khi Huỳnh Đức đã phụ trách quá tốt.

Cứ nhìn những gì bầu Hiển đang làm ở T&T Hà Nội, ông đang nhân bản mô hình của Huỳnh Đức và SHB Đà Nẵng. Hữu Thắng, một huấn luyện viên cá tính và nói như ông Hiển là “có cái uy của ông tướng”. Huấn luyện viên trẻ xứ Nghệ cũng đã được đặt lên cái ghế chủ tịch Hội đồng huấn luyện viên T&T Hà Nội, nắm “bảo kiếm” toàn quyền quyết định. Cũng như Huỳnh Đức, Hữu Thắng bây giờ có quyền “tiền trảm hậu tấu” khi đội bóng có biến.

Việc hai ông huấn luyện viên trẻ đang bước đầu gặt hái thành công, được ông bầu bơm tiền và quyền lực đã gây cảm hứng với nhiều doanh nghiệp đã và đang gắn bó với bóng đá.

Vẫn cần phải có thêm thời gian để kiểm chứng hai đội bóng của bầu Hiển nhưng với bóng đá chuyên nghiệp, việc huấn luyện viên trưởng được quyền tự chủ để phục vụ cho thành công của đội bóng là tối cần thiết.

Bóng đá ở Việt Nam, phần lớn các huấn luyện viên trưởng đều mang bi kịch của kẻ không có thực quyền./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục