Thượng viện Australia bãi bỏ luật điều trị y tế cho người tị nạn

Đạo luật về điều trị y tế cho người xin tị nạn, còn được gọi là Luật "Medevac", được ban hành vào tháng 2/2019 với sự hậu thuẫn của Công đảng đối lập nhưng trái với mong muốn của chính phủ.
Thượng viện Australia bãi bỏ luật điều trị y tế cho người tị nạn ảnh 1Người dân Australia phản đối việc bác bỏ đạo luật chăm sóc y tế cho người tị nạn. (Ảnh: Getty)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 4/12, với 37 phiếu ủng hộ và 35 phiếu chống, Thượng viện Australia đã thông qua dự luật về việc bãi bỏ đạo luật chăm sóc y tế cho người xin tị nạn. Đây có thể coi là một thắng lợi chính trị lớn dành cho Thủ tướng Scott Morrison khi ông đã hoàn thành cam kết đưa ra trong quá trình vận động tranh cử hồi tháng 5 vừa qua.

Đạo luật về điều trị y tế cho người xin tị nạn, còn được gọi là Luật "Medevac", được ban hành vào tháng 2/2019 với sự hậu thuẫn của Công đảng đối lập nhưng trái với mong muốn của chính phủ liên minh cầm quyền. Theo đó, đạo luật tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những người tị nạn và xin tị nạn bị giam giữ các đảo ngoài khơi ở Papua New Guinea và Nauru được chuyển vào Australia để điều trị y tế.

[Chính phủ Australia chi gần 45 triệu USD giúp người nhập cư hòa nhập]

Thủ tướng Scott Morrison cho rằng việc bãi bỏ đạo luật trên sẽ giúp khôi phục an ninh biên giới và khẳng định chính phủ của ông luôn thực hiện những hành động cần thiết để đảm bảo người dân Australia có thể tin tưởng vào cách quản lý biên giới của chính phủ.

Kể từ khi đạo luật về điều trị y tế cho người tị nạn được thông qua, đã có 179 bệnh nhân là người xin tị nạn đang bị giam giữ ở Nauru và Papua New Guinea được chuyển vào Australia để điều trị. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton khẳng định dù không có đạo luật trên, tất cả những người tị nạn và xin tị nạn vẫn đều được điều trị y tế phù hợp và đạo luật chỉ tạo ra một lối "cửa sau" cho việc vào nhập cư vào Australia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục