Thượng viện Mỹ chấp thuận kết nạp Montenegro làm thành viên NATO

Với 97 phiếu ủng hộ và 2 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ Montenegro trở thành thành viên thứ 29 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Thượng viện Mỹ chấp thuận kết nạp Montenegro làm thành viên NATO ảnh 1(Nguồn: neweurope.eu)

Thượng viện Mỹ hôm 28/3 đã bỏ phiếu ủng hộ Montenegro trở thành thành viên thứ 29 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Quyết định nêu trên của Thượng viện, được thông qua với 97 phiếu ủng hộ và 2 phiếu chống, sẽ được chuyển lên Tổng thống Donald Trump ký phê chuẩn.

Phát biểu trước thềm cuộc bỏ phiếu, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy nêu rõ việc kết nạp Montenegro sẽ giúp NATO trở nên vững mạnh hơn do quốc gia này có một vị trí địa chiến lược quan trọng.

Những người ủng hộ Montenegro gia nhập NATO cũng khẳng định tầm quan trọng của việc hỗ trợ các quốc gia Đông Âu chia sẻ giá trị của phương Tây và củng cố mối quan hệ giữa những nước này với phương Tây.

Hai phiếu chống trong phiên bỏ phiếu vẫn đến từ hai Thượng nghị sĩ Rand Paul và Mike Lee, những người trước đó đã phản đối việc tiến hành bỏ phiếu. Nghị sĩ Paul không đồng tình việc sử dụng tiền thuế của Mỹ để bảo vệ một nước nhỏ như Montenegro trong trường hợp nước này bị tấn công (theo quy định của NATO) và lập luận rằng việc kết nạp quốc gia mà quân đội chỉ gồm 2.000 người sẽ làm nặng thêm chi phí của NATO.

Tháng 12/2015, NATO đã mời Montenegro đàm phán gia nhập liên minh quân sự này, động thái ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của Nga.

Ngày 19/5/2016, ngoại trưởng 28 quốc gia thành viên NATO và Thủ tướng Montenegro Milo Dukanovic đã ký nghị định thư kết nạp quốc gia Balkan (Ban-căng) này vào liên minh quân sự phương Tây. Theo các nguồn tin ngoại giao, 28 nước thành viên NATO cần 18 tháng để phê chuẩn thỏa thuận gia nhập NATO của Montenegro.

Hiện tại, đã có 25 trên tổng số 28 quốc gia NATO thông qua đề nghị gia nhập của Montenegro - một quốc gia chỉ có 620.000 dân nhưng nằm ở vị trí địa chiến lược tại khu vực Balkan. Ngoại trừ Mỹ, hai nước còn lại chưa phê chuẩn là Hà Lan và Tây Ban Nha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục