Thượng viện Mỹ nhất trí dự luật cải cách Phố Wall

Mỹ đã thông qua dự luật cải cách tài chính sâu rộng nhất từ cuộc Đại suy thoái thập niên 30 thế kỷ trước tại thị trường Phố Wall.
Với tỷ lệ phiếu 59/39, Thượng viện Mỹ tối 20/5 đã thông qua dự luật cải cách tài chính sâu rộng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái thập niên 30 của thế kỷ trước, kết thúc nhiều tháng tranh cãi về biện pháp cải cách các quy định tài chính trên thị trường Phố Wall.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama coi đây là chiến thắng lớn lao và vô cùng ý nghĩa vì một ngày trước đó, Thượng viện còn chưa nhất trí kết thúc các cuộc thảo luận xung quanh dự luật này.

Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau (20/5), cơ quan này đã đồng ý khép lại các cuộc thảo luận về dự luật trên trong cuộc bỏ phiếu tiếp theo (với tỷ lệ ủng hộ tối thiểu 60/40 cần thiết để được thông qua) và ngay sau đó lại thông qua dự luật.

Trong cuộc bỏ phiếu tối 20/5, có hai nghị sỹ Dân chủ bỏ phiếu chống lại dự luật, trong khi bốn nghị sỹ Cộng hòa quay sang ủng hộ ưu tiên đối nội hàng đầu này của Tổng thống Obama.

Việc Quốc hội Mỹ cần làm tiếp theo là điều chỉnh dự luật này cho phù hợp với văn kiện mà Hạ viện đã thông qua hồi tháng 12 năm ngoái. Một nghị sỹ Hạ viện dự đoán một dự luật cải cách cuối cùng sẽ được trình Tổng thống Obama trước ngày Quốc khánh Mỹ 4/7.

Dự kiến ngày 24/5 tới, hai viện quốc hội sẽ lập nhóm đại diện để thảo luận đi đến thống nhất một dự luật cải cách cuối cùng trình tổng thống.

Dự luật cải cách tài chính của Chính quyền Obama đưa ra một loạt biện pháp cải cách thị trường Phố Wall, ngăn chặn nguy cơ các thể chế tài chính lớn sụp đổ gây ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ, thành lập một cơ quan bảo vệ tài chính người tiêu dùng, kiểm soát các khoản tiền thưởng và ngăn chặn những khoản đầu tư rủi ro.

Dự luật cũng đưa ra các biện pháp quản lý và minh bạch thị trường phái sinh, một công cụ tài chính phức tạp liên quan cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng năm 2008, minh bạch hoạt động của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng như việc kiểm toán của ngân hàng trung ương.

Văn kiện này cũng bao gồm biện pháp phong tỏa các gói cứu trợ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nếu không có sự đảm bảo hoàn trả lại tiền từ các quốc gia nhận cứu trợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục