Thượng viện Thái Lan tham gia giải quyết bế tắc chính trị

Kế hoạch thành lập một chính phủ tạm thời của Thượng viện Thái Lan đang giành được sự ủng hộ của giới công chức cao tuổi và giới chức quân sự chóp bu nước này.
Thượng viện Thái Lan tham gia giải quyết bế tắc chính trị ảnh 1Người biểu tình chống chính phủ tuần hành trước tòa nhà Quốc hội ở Bangkok ngày 16/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kế hoạch thành lập một chính phủ tạm thời của Thượng viện Thái Lan dường như đang giành được sự ủng hộ của giới công chức cao tuổi và giới chức quân sự chóp bu.

Lý do giải thích được đưa ra là việc Thái Lan cần phải có một chính phủ đầy đủ chức năng để thay thế chính phủ tạm quyền nhằm chấm dứt sự bế tắc hiện nay.

Trong cuộc họp gần đây giữa các thượng nghị sỹ, giới chức quân sự và một số quan chức chính phủ, các bên đã nhất trí một lập trường chung về vai trò và quyền hạn của Thượng viện Thái Lan trong hoàn cảnh chính trị hiện nay.

Những người này cho rằng có thể áp dụng một số điều khoản của Hiến pháp nếu thấy cần thiết phải có một chính phủ và một thủ tướng.

Hiến pháp cũng cho phép Thượng viện tổ chức một cuộc họp trong trường hợp Hạ viện đã bị giải tán để thực hiện các công việc bổ nhiệm cần thiết. Điều này có thể dẫn tới khả năng cho phép chỉ định một chính phủ mới.

Mặc dù Thượng viện Thái Lan sẽ còn phải tổ chức thêm những phiên họp tiếp theo để tiếp tục thảo luận và đi tới thống nhất ra nghị quyết, nhưng đây được coi là bước ngoặt đối với Phong trào biểu tình chống chính phủ.

Những người biểu tình chống chính phủ trước đó đã bao vây và buộc một cuộc họp bàn về kế hoạch bầu cử giữa Chính phủ tạm quyền và Ủy ban bầu cử phải hủy giữa chừng.

Tại cuộc họp này, các quan chức bầu cử và Thủ tướng tạm quyền Niwatthamrong Bunsongpaisan dự kiến bàn thảo chi tiết về kế hoạch bầu cử, nhưng nó đã bị hủy bỏ ngay trước khi các vấn đề quan trọng được bàn tới.

Theo Ủy ban bầu cử, kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử dự kiến vào 20/7 có thể sẽ bị hủy bỏ bởi không kịp thời gian để có một sắc lệnh của Hoàng gia về việc ấn định ngày bầu cử. Phía chính phủ cũng đã thừa nhận điều này bởi theo quy định sắc lệnh này cần phải được công bố trước cuộc bầu cử ít nhất 60 ngày.

Đảng Vì Thái Lan đương nhiên không đồng tình với kế hoạch bổ nhiệm bổ nhiệm một thủ tướng không thông qua bầu cử và tuyên bố không tham gia bất kỳ cuộc họp nào do quyền Chủ tịch Thượng viện Surachai Liengbunlertchai tổ chức.

Đảng này tiếp tục khẳng định ông Surachai không có quyền tổ chức những phiên họp như trên kể cả những cuộc họp đó được coi là không chính thức.

Đảng Vì Thái Lan tuyên bố sẽ đưa những hành động của quyền Chủ tịch Thượng viện ra trước các cơ quan công tố và đồng thời kiện ông này lên Tòa án hiến pháp về tội âm mưu lật đổ chính quyền.

Ông này đã cho phép thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban, người đang bị kết tội phản loạn, vào dự cuộc họp của các nghị sỹ và đang muốn thực hiện theo kế hoạch của phe biểu tình chống chính phủ đưa ra.

Thủ tướng và chính phủ tạm quyền ở Thái Lan khẳng định họ vẫn còn tính hợp pháp chứ không hề có khoảng trống quyền lực nào. Trong khi đó, Thượng viện Thái Lan đang có kế hoạch tìm kiếm sự can thiệp của Tòa án Hiến pháp về việc ông Niwatthamrong có thể làm quyền Thủ tướng của chính phủ tạm quyền hay không.

Trong trường hợp vị trí quyền thủ tướng không hợp pháp, Chủ tịch Thượng viện, trong hoàn cảnh không có Hạ viện, sẽ có quyền đề cử một thủ tướng để Hoàng gia phê chuẩn.

Trong cuộc trao đổi với PV TTXVN tại Bangkok, Tướng Surasit Thanadtang, Phó Giám đốc Học viện quốc phòng Thái Lan, cho biết: "Theo Hiến pháp hiện nay và quan điểm của tôi, ông Niwatthamrong có đủ thẩm quyền và được pháp luật ủng hộ là một thủ tướng tạm quyền. Nhưng trong một vài trường hợp, vai trò của ông ta cũng khác so với một thủ tướng được bầu. Tuy nhiên, ông ta vẫn hoàn toàn có đủ thẩm quyền để tổ chức họp với Ủy ban bầu cử nhằm chuẩn bị cho tiến trình bầu cử với tư cách là một thủ tướng tạm quyền"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục