Thương vụ sáp nhập giữa hai "đại gia" thuốc lá của Mỹ

Tập đoàn sản xuất thuốc lá Salem nổi tiếng lớn thứ hai của Mỹ, Reynolds American Inc thông báo sẽ mua lại công ty kỳ phùng địch thủ Lorillard Inc. với mức giá khổng lồ hơn 27 tỷ USD.
Thương vụ sáp nhập giữa hai "đại gia" thuốc lá của Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: foxbusiness.com)

Sau hơn một năm thương thảo, ngày 15/7, tập đoàn sản xuất thuốc lá Salem nổi tiếng lớn thứ hai của Mỹ, Reynolds American, Inc. thông báo sẽ mua lại công ty kỳ phùng địch thủ Lorillard Inc. với mức giá khổng lồ hơn 27 tỷ USD.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông báo của Reynolds American từ trụ sở ở thành phố Winston Salem, bang North Carolina cho biết công ty này ngày 15/7 đã đồng ý chuyển nhượng các thương hiệu sản phẩm thuốc lá nổi tiếng như Kool, Salem, Winston, Maverick, thuốc lá điện eCigas và một số tài sản khác cho công ty Inperial Tobacco Group của Anh với giá 7,1 tỷ USD để mua lại công ty Lorillard Inc. với giá 27,4 tỷ USD.

Đây là vụ sáp nhập “khủng” giữa hai tập đoàn sản xuất thuốc lá lớn nhất của Mỹ nhằm duy trì năng lực hoạt động và kinh doanh trong một ngành công nghiệp đang ngày càng có xu hướng thu hẹp lại.

Thông báo của Reynolds American cho biết hợp đồng 27,4 tỷ USD mua lại Lorillard sẽ được thanh toán bằng tiền mặt, cổ phiếu và chuyển giao nợ.

Bằng hợp đồng thâu tóm Lorillard, Reynolds American hy vọng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh hùng mạnh hơn trước tập đoàn sản xuất thuốc lá lớn nhất thế giới, Altra Group Inc của Mỹ mà trước đây gọi là Philip Morris Companies Inc..

Thương hiệu Marlboro của Philip Morris hiện đang chiếm gần một nửa thị phần thuốc lá hàng năm ở Mỹ.

Quan trọng hơn, với hợp đồng chuyển nhượng này, Reynolds American cũng sẽ có một chỗ đứng trong thị trường thuốc lá tinh dầu bạc hà đang ngày càng lớn mạnh nhờ vào sản phẩm thuốc lá tinh dầu bạc hà Newport bán chạy nhất trên thị trường Mỹ của Lorillard.

Hợp đồng sáp nhập này cũng tạo cho Reynolds American mở rộng hoạt động từ các bang phía Tây sang cả khu vực các bang phía Đông nước Mỹ vốn là lãnh địa của Lorillards.

Một nguyên nhân khiến doanh thu của các công ty sản xuất và kinh doanh thuốc lá của Mỹ liên tục giảm là do trong 5 thập kỷ qua, số người Mỹ hút thuốc giảm mạnh.

Ở thời điểm hiện tại, theo thống kê của Chính phủ Mỹ, tỷ lệ người dân Mỹ hút thuốc chỉ còn ở mức 18% so với 43% trong năm 1965.

Quy định của nhiều bang ở Mỹ cấm hút thuốc ở các nơi công cộng, kể cả công viên, cũng là một nguyên nhân làm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá. Trong năm ngoái, tổng doanh thu của Reynolds American và Lorillard là 13 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục