Thụt lùi hay chiến thắng?

Điều chỉnh NMD: Bước thụt lùi hay chiến thắng?

Có ý kiến nhận định rằng kế hoạch điều chỉnh NMD của chính quyền Obama là sự thắng thế của chủ nghĩa thực dụng trước ý thức hệ.
Với những điều chỉnh cơ bản trong chương trình xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (MND) của Mỹ tại châu Âu, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như đã đảo ngược kế hoạch gây tranh cãi lâu nay của người tiền nhiệm George W.Bush, vốn bị coi là một nhân tố khiến quan hệ Mỹ-Nga trở nên căng thẳng trong những năm gần đây.

Động thái này được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, coi đây là một dấu hiệu thể hiện cam kết của Washington muốn khởi động quan hệ với Mátxcơva. Song, những hoài nghi không phải đã hết và giới quan sát tỏ ra khá thận trọng khi đánh giá về những bước đi mới này của chính quyền Obama.

Giảm căng thẳng với Nga

Lâu nay, NMD của Mỹ tại châu Âu đã trở thành vấn đề mấu chốt khiến quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Nga không mấy "xuôi chèo mái mát".

Viện cớ đối phó với các nguy cơ tấn công tên lửa từ những nước "cứng đầu" như Iran, chính quyền Bush đã đưa ra kế hoạch triển khai lá chắn phòng thủ tại châu Âu, cụ thể là trên lãnh thổ Séc và Ba Lan. Kế hoạch này đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nga bởi lo ngại an ninh quốc gia bị đe dọa.

Mátxcơva đã nêu vấn đề NMD trong mọi diễn đàn hợp tác với Mỹ, thậm chí tuyên bố có thể triển khai một lá chắn tương tự tại Kaliningrad giáp giới Ba Lan để làm đối trọng.

Ngay sau khi nhậm chức hồi tháng Giêng vừa qua, Tổng thống Obama và êkíp của ông đã khẳng định mong muốn cải thiện quan hệ với Mátxcơva, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Washington.

Mỹ đã có những động thái xích lại gần Nga, thể hiện qua những phát biểu thiện chí của giới chức và các cuộc gặp cấp cao. Do đó, quyết định điều chỉnh NMD tại châu Âu của chính quyền Obama được đánh giá là một điểm nhấn mới trong chính sách hòa giải của Washington cũng như "thắng lợi ngoại giao" của Mátxcơva.

Với sự điều chỉnh mới, NMD tại châu Âu của chính quyền tiền nhiệm Bush sẽ được thay thế bằng một hệ thống cơ động hơn nhằm vào các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Iran, chủ yếu dựa trên các hệ thống đánh chặn đặt trên biển. Và quan trọng hơn cả là hệ thống này sẽ được đặt trên các chiến hạm của hải quân, bố trí ở các khu vực Nam và Bắc Âu, thay vì đặt trên mặt đất tại Séc và Ba Lan như trước đây.

Trong khi chờ đợi một sự xác định chính thức từ phía Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đã nhận định rằng "một diễn biến như vậy sẽ phù hợp với lợi ích của các mối quan hệ giữa Nga và Mỹ".

Quyết định trên có thể khiến Praha và Warszawa thất vọng bởi họ mất đi một sự đảm bảo từ Mỹ về mặt an ninh, song trên phương diện ngoại giao, các nhà lãnh đạo hai nước này cho rằng quan hệ với Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng bởi kế hoạch mới của Tổng thống Obama vẫn nhằm mục đích cuối cùng là tăng cường an ninh cho châu Âu, trong đó có tính tới lợi ích của Praha và Warszawa. Thậm chí, để Ba Lan không quá thất vọng, Washington đã an ủi Warszawa bằng một chương trình triển khai tên lửa Patriot đất đối không tại nước này.

Bước thụt lùi hay chiến thắng?

Giới quan sát cũng như chính giới Mỹ ngay lập tức dùng từ "thất bại" trong chính sách của Washington đối với châu Âu khi miêu tả quyết định trên của Obama.

Theo họ, NMD của Mỹ tại châu Âu không chỉ là đơn thuần mang ý nghĩa quân sự mà còn mang tính chính trị và chiến lược. Nếu như NMD của Tổng thống Bush hướng tới những mối đe dọa từ tên lửa tầm xa của Iran, thì kế hoạch sau khi được điều chỉnh chỉ chú trọng tới các dàn tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Rõ ràng, trên phương diện này, đây là một sự thụt lùi về mặt chiến lược lâu dài.

Trên phương diện chính trị-ngoại giao, những chính khách theo đường lối cứng rắn coi đây như một sự nhượng bộ, thỏa hiệp của Washington trước Mátxcơva. Động thái này cho thấy sự yếu thế của Mỹ trong vấn đề quốc tế, cụ thể là chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời gián tiếp thừa nhận vai trò ngày càng lớn hơn của Nga trên trường quốc tế.

Nhiều nghị sĩ Cộng hòa cho rằng quyết định này sẽ làm xói mòn uy tín lãnh đạo đã được thừa nhận lâu nay của Mỹ tại Đông Âu.

Cựu Thủ tướng Séc Mirek Topolanek thậm chí còn nhận định rằng đây là một bước thụt lùi đối với tiến trình hội nhập vào cơ cấu châu Âu-Đại Tây Dương kéo dài 20 năm qua của Séc.

Cũng có ý kiến nhận định rằng kế hoạch điều chỉnh NMD của chính quyền Obama là sự thắng thế của chủ nghĩa thực dụng trước ý thức hệ. Theo đó, Mỹ đã thay thế một hệ thống tốn kém không có hiệu quả trước một mối đe dọa không tồn tại bằng các loại vũ khí có thể phòng thủ chống lại khả năng tên lửa thực sự của Iran.

Tình báo Mỹ đánh giá Tehran sẽ không có nguyên liệu để chế tạo đầu đạn hạn nhân uranium được làm giàu - trước năm 2013, song lại cảnh báo Iran có thể chế tạo tên lửa tầm trung với tầm bắn khoảng 2.000km có thể tấn công một số địa điểm ở châu Âu trong 8 năm tới. Với những cơ sở trên, việc điều chỉnh NMD là điều tất yếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục