Thụy Điển: Bạo động bước sang ngày thứ 4 liên tiếp

Hàng trăm thanh niên đã xuống đường đốt xe, tấn công cảnh sát trong đêm thứ 4 liên tiếp tại một số khu vực ngoại ô thủ đô Stokholm.
Đêm 22/5, hàng trăm thanh niên đã xuống đường đốt xe và tấn công cảnh sát trong đêm thứ tư liên tiếp tại một số khu vực ngoại ô thủ đô Stokholm của Thụy Điển, gây chấn động đất nước này.

Làn sóng bạo lực diễn ra giữa lúc quốc gia Bắc Âu này vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng chưa thể giải quyết triệt để tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ và sự bất mãn của một bộ phận người nhập cư.

Bạo lực bắt đầu tại phía Bắc thành phố và lan sang phía Nam. Nhiều nhóm thanh niên đã ném đá, đập vỡ cửa kính và đốt xe, bất chấp lời kêu gọi bình tĩnh của Thủ tướng Thụy Điển.

Cảnh sát thành phố Malmo ở miền Nam Thụy Điển cũng cho biết hai ôtô đã bị đốt cháy, trong khi truyền thông địa phương thông báo một trạm cảnh sát đã bị tấn công và đốt nhưng không có ai bị thương.

Trong bốn ngày bạo động, nhiều cửa hàng, trường học, một trung tâm nghệ thuật đã bị đập phá, nhiều phần tử gây rối bị bắt giữ.

Cuộc bạo động của nhóm thanh niên có vẻ như bắt đầu nổ ra sau khi cảnh sát bắn chết một người đàn ông 69 tuổi đang cầm một con dao rựa tại thị trấn ngoại ô Husby trước đó ít lâu, làm dấy lên những chỉ trích về tình trạng bạo hành của cảnh sát. Bạo lực từ đây sau đó lan rộng ra các khu vực khác.

Tình hình tại Thụy Điển tới nay chưa dữ dội như đã xảy ra tại Anh hay Pháp cách đây vài năm, nhưng là lời cảnh báo rằng ngay cả ở những quốc gia không bị ảnh hưởng nặng bởi cuộc khủng hoảng tài chính như Hy Lạp hay Tây Ban Nha, việc thắt chặt ngân sách rất dễ tác động đến người nghèo, đặc biệt là những người nhập cư.

Sau nhiều thập kỷ thực hiện chế độ an sinh xã hội hào phóng, từ thập kỷ 1990, Thụy Điển dần dần thu hẹp vai trò của nhà nước, một chính sách đã làm cho bất bình đẳng xã hội gia tăng nhanh nhất trong số các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Thụy Điển có mức sống của người dân thuộc hàng cao nhất châu Âu, nhưng nhiều chính phủ kế tiếp nhau đã không thể cắt giảm tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ, vốn ảnh hưởng mạnh nhất lên người nhập cư chiếm khoảng 15% dân số.

Số liệu của OECD cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong các cộng đồng này lên tới 16%, cao hơn nhiều so với mức 6% của người Thụy Điển gốc./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục