Thụy Điển đối mặt với thách thức chủ tịch EU

Nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu của Thụy Điển (bắt đầu từ ngày 1/7), có lẽ sẽ là một thách thức lớn đối với đất nước Bắc Âu nhỏ bé và yên bình này.

Cho dù được đánh giá là nước có nhiều kinh nghiệm trong việc điều phối các vấn đề quốc tế, song thực tế cho thấy rõ Thụy Điển sẽ chẳng thể có được một nhiệm kỳ "dễ thở".

Nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) của Thụy Điển (bắt đầu từ ngày 1/7), có lẽ sẽ là một thách thức lớn đối với đất nước Bắc Âu nhỏ bé, yên bình này.

Liệu Thủ tướng Fredrik Reinfeld có áp đặt được những nguyên tắc mới cho "gia đình EU" đang tồn tại nhiều bất đồng, khi phải điều phối một Nghị viện châu Âu mới, một ủy ban mới và đặc biệt phải giải quyết “núi” công việc không mấy thuận lợi mà người tiền nhiệm - Cộng hòa Séc để lại.

Thất bại của người tiền nhiệm

Tháng 1/2009, Séc trở thành Chủ tịch EU khi mà cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đặt sự đoàn kết của châu Âu đứng trước một thử thách khắc nghiệt nhất trong hơn 50 năm tồn tại.

Lãnh đạo 27 nước thành viên và người đứng đầu EU luôn phải đứng trước sự lựa chọn chính trị và kinh tế, để làm sao dung hòa được các sáng kiến và dự án của mỗi nước thành viên thành một chiến lược chung cho EU.

Mặc dù thừa nhận sẽ không có được những ảnh hưởng to lớn như Pháp, nước đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình (nhiệm kỳ 6 tháng cuối năm 2008), song khi Séc tiếp nhận trọng trách mới, cũng tỏ rõ quyết tâm đưa châu Âu thoát khỏi thời kỳ kinh tế khó khăn nhất.

Cựu Thủ tướng Séc Mirek Topolanek, với tư cách "nhạc trưởng", từng cam kết phát huy vai trò Chủ tịch EU để thực hiện những vấn đề ưu tiên của khu vực với khẩu hiệu “một châu Âu không rào cản”, từ đó huy động toàn bộ tiềm năng kinh tế, nhân lực và văn hóa, giúp EU giữ vững vị trí trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Trên tinh thần này, Séc tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm khủng hoảng kinh tế, an ninh năng lượng và quan hệ đối ngoại. Tuy nhiên, khi mới bắt tay vào công việc chưa đầy 3 tháng, chuyện nội bộ của chính phủ nước này đã đẩy công việc chung của EU vào tình thế hết sức nan giải.

Chính phủ Séc ngày 24/3 sụp đổ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, sự kiện được giới bình luận coi là "nỗi bẽ bàng lớn nhất” đối với Thủ tướng Topolanek khi nước này đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU. Biến động bất ngờ này đã đẩy EU rơi vào một cuộc khủng hoảng mới.

Vật lộn trong những tháng còn lại, Séc đã “về đích” nhiệm kỳ Chủ tịch EU với kết quả không như mong đợi. Mọi vấn đề của khối đều còn bỏ ngỏ, tiến trình mở rộng EU chưa có tiến triển do vẫn tồn tại nhiều ý kiến trái ngược nhau giữa các thành viên.

Vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng vẫn là bài toán hóc búa, bởi cho đến nay, phần lớn các nước EU vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Nga. Hiệp ước Lisbon vẫn chưa ngã ngũ… và nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính vẫn chưa có hồi kết. Tất cả chất lên vai Thụy Điển.

Thách thức trên vai người kế nhiệm

Mặc dù núi công việc để lại của người tiền nhiệm được coi là hết sức nặng nề, song cũng phải nhắc lại rằng Thụy Điển vốn là quốc gia được mệnh danh là “nhà ngoại giao lành nghề” trong các cuộc đàm phán với vai trò là trung gian hòa giải. Các nhà phân tích hy vọng "người cầm cân nảy mực" mới này của EU sẽ ghi được những thành tích đầy bất ngờ.

Thủ tướng Fredrik Reinfeld, trước khi chính thức nhận nhiệm vụ, đã tuyên bố Thụy Điển có khả năng đối phó với những thách thức và đảm trách chức vụ Chủ tịch EU một cách "cởi mở, trách nhiệm và hiệu quả".

Ông cho biết hai ưu tiên chính trong nhiệm kỳ của Thụy Điển là giúp EU thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và đảm bảo thành công cho Hội nghị Liên hợp quốc chống biến đổi khí hậu diễn ra ở Đan Mạch vào tháng 12 tới.

Mặc dù đặt mục tiêu là tái lập lòng tin vào các thị trường tài chính bằng cách đặt nền móng cho một chiến lược mới về tăng trưởng và việc làm, đồng thời tăng cường những cơ chế giúp khôi phục nguồn cung tín dụng trong EU, song việc không phải là thành viên trong liên minh tiền tệ (khu vực đồng euro), đang tạo "bất lợi" cho vai trò Chủ tịch EU của Thụy Điển.

Tuy nhiên, không vì thế mà Thụy Điển bi quan về nguy cơ rơi vào “hội chứng Cộng hòa Séc”, tức là vai trò chủ tịch hầu như bị "vô hiệu hóa" trước các nước lớn.

Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt, trong bài trả lời phỏng vấn tờ "Le Figaro", đã khẳng định: “Stockholm có đủ tầm ảnh hưởng để có thể đảm nhiệm vai trò Chủ tịch EU của mình”.

Đối với mục tiêu kinh tế, Thụy Điển đang có một khởi đầu thuận lợi khi lãnh đạo 27 nước thành viên EU, trong cuộc họp thượng đỉnh mới nhất, đã nhất trí thiết lập hệ thống giám sát tài chính liên châu Âu mới nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Quan điểm của Thụy Điển là sự thịnh vượng của châu Âu không thể được tạo dựng trên nền của chủ nghĩa bảo hộ, mà phải được xây dựng trên cơ sở mở cửa thị trường.

Về mục tiêu chống biến đổi khí hậu, Stockholm sẽ phải thống nhất được một quan điểm chung của châu Âu, đặt nền móng cho việc ra đời một thỏa thuận trên quy mô toàn cầu chống lại sự ấm dần lên của Trái Đất, biến Hội nghị Copenhagen trở thành "một sự kiện của thế kỷ".

Vấn đề là trong nhiệm kỳ của mình, Thụy Điển có thể làm "cầu nối" xóa bỏ mâu thuẫn giữa các nước EU xung quanh vấn đề cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vốn được coi là một trong những nguyên nhân chính làm khí hậu Trái Đất nóng lên.

Ngoài những vấn đề trên, nỗ lực để Ireland thông qua Hiệp ước Lisbon về cải cách thể chế EU và tiếp tục thúc đẩy tiến trình mở rộng khối này cũng là những "cửa ải" thử thách Thụy Điển trong nhiệm kỳ khó khăn trước mắt.

Cho dù được đánh giá là nước có nhiều kinh nghiệm trong việc điều phối các vấn đề quốc tế, song thực tế cho thấy rõ Thụy Điển sẽ chẳng thể có được một nhiệm kỳ "dễ thở"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục