Thụy Điển tạm thời tái lập kiểm soát biên giới đối với người di cư

Chính phủ Thụy Điển cho biết sẽ tạm thời khôi phục các biện pháp kiểm soát biên giới để đối phó với dòng người di cư lớn chưa từng có.
Thụy Điển tạm thời tái lập kiểm soát biên giới đối với người di cư ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 11/11, Chính phủ Thụy Điển cho biết sẽ tạm thời khôi phục các biện pháp kiểm soát biên giới để đối phó với dòng người di cư lớn chưa từng có. Với động thái trên, Thụy Điển là quốc gia mới nhất trong khu vực đi lại tự do Schengen siết chặt an ninh biên giới trước những diễn biến có chiều hướng phức tạp của cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển Anders Ygeman nêu rõ hiện số người tị nạn tràn vào Thụy Điển đã lên con số kỷ lục, gây sức ép không nhỏ cho văn phòng di trú của nước này và giới chức an ninh lo ngại về nguy cơ đe dọa trật tự công cộng. Vì vậy, ông nêu rõ việc tái thiết lập các trạm kiểm soát tại khu vực biên giới quốc gia từ 12 giờ trưa 12/11 (giờ Thụy Điển, tức 18 giờ - giờ Hà Nội) là cần thiết và lệnh này sẽ có hiệu lực trong 10 ngày.

Cảnh sát Thụy Điển sẽ tiến hành kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu, đường biên giới cũng như kiểm tra giấy tờ, hộ chiếu của những người nhập cảnh vào nước này.

Cùng với Đức, Thụy Điển cũng là nước chịu ảnh hưởng mạnh từ dòng người nhập cư và tị nạn khi luật tị nạn của nước này được xem là khá cởi mở trong khi các trợ cấp xã hội ở mức cao.

Thụy Điển là thành viên của khu vực Shengen và từ trước đến nay đường biên giới của nước này luôn mở với người đến từ các nước Shengen. Những người nhập cư và tị nạn từ Nam Âu tới Thụy Điển qua ngả Đức. Dự kiến Thụy Điển sẽ tiếp nhận tổng cộng 190.000 người di cư trong năm 2015, tương đương với mức 1,5 triệu người đến một quốc gia có quy mô dân số bằng nước Đức.

Trước đó, ngày 9/11, Liên minh châu Âu (EU) đã triệu tập hội nghị Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp EU nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng người di cư đang trở nên trầm trọng hơn.

Chủ trì cuộc họp, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn, nước hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên (EU), đã bày tỏ quan ngại khi Thụy Điển và Đức đang đối mặt với tình trạng quá tải người nhập cư và nếu 2 quốc gia này quyết định đóng cửa biên giới, có thể tạo ra hiệu ứng "domino" tại nhiều quốc gia khác.

Với gần 800.000 người xin tị nạn tại châu Âu từ đầu năm đến nay, Ngoại trưởng Asselborn cho rằng hậu quả sẽ rất nặng nề, đặc biệt đối với các quốc gia Balkan và khu vực Schengen.

Hồi tháng 9 vừa qua, 28 quốc gia EU đã đạt thỏa thuận về nguyên tắc phân chia 160.000 người nhập cư tới Hy Lạp và Italy. Nhưng trên thực tế, chưa có biện pháp nào được triển khai.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức, ông Thomas de Maizière, cần phải đoàn kết trong châu Âu và tái bố trí cho 160.000 người tị nạn. Ông nhấn mạnh cần phải có cơ chế phân chia thường xuyên người nhập cư để chia sẻ với những nước tuyến đầu.

Quan chức Đức nêu rõ từ nay đến năm 2017, có khoảng 3 triệu người nhập cư tới châu Âu và nếu không đoàn kết, cuộc khủng hoảng người di cư có thể khiến châu Âu ngày càng chia rẽ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục