Thủy điện vẫn là mối lo của người dân Gia Lai vào mùa mưa

Những bất cập trong quản lý, kiểm tra, giám sát vận hành các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai khiến cho người dân lo lắng khi mùa mưa đến.
Thủy điện vẫn là mối lo của người dân Gia Lai vào mùa mưa ảnh 1Một công trình thủy điện trong quá trình xây dựng. (Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN)

Gia Lai đang bước vào cao điểm của mùa mưa Tây Nguyên với những cơn mưa đầu mùa xuất hiện rải rác nhưng với cường độ mạnh và bất thường. Dự báo năm nay, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây tâm lý bất an cho người dân vùng hạ du các công trình thủy điện.

Đặc biệt, những bất cập trong quản lý, kiểm tra, giám sát vận hành các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh thời gian qua càng khiến cho người dân thêm phần lo lắng.

Điển hình trong mùa mưa năm 2013, nhiều thủy điện trên địa bàn tỉnh đồng loạt xả lũ gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân vùng hạ lưu. Chỉ tính riêng việc xả lũ của thủy điện An Khê-Ka Nak trong cơn bão số 15 đã làm hơn 140 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng, khoảng 900 con gia súc, gia cầm cùng nhiều diện tích cây cối, hoa màu của người dân bị cuốn theo dòng nước lũ. Hàng loạt công trình thủy lợi của thị xã An Khê bị vỡ và sạt lở. Tổng thiệt hại mà địa phương này phải gánh chịu lên đến hơn 13 tỷ đồng.

Điều khiến hàng trăm người dân cũng như chính quyền thị xã An Khê bức xúc chính là việc làm thiếu trách nhiệm của thủy điện An Khê-Ka Nak trong quá trình xả lũ đã không thông báo kịp thời cho địa phương theo đúng quy trình. Càng bức xúc hơn khi địa phương không có được thông tin chính xác về lưu lượng xả lũ của thủy điện có đúng với thực tế hay không để có biện pháp ứng phó.

Ông Nguyễn Công Tuấn, Phó trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng thị xã An Khê cho biết thủy điện An Khê-Ka Nak không xây dựng bản đồ vùng ngập lũ làm cho công tác phong chống lụt bão của địa phương rất bị động. Hơn nữa, địa phương cũng không nhận được thông báo kịp thời từ phía thủy điện về tình hình xả lũ nên không thể nào thông tin kịp thời tới các địa phương và người dân để có phương án tránh lũ hiệu quả.

Thông tin xả lũ của Thủy điện An Khê-Ka Nak không kịp thời, không đúng quy trình và không bảo đảm độ tin cậy đã khiến hàng loạt vùng dân sinh dọc theo con sông Ba về phía hạ lưu phải gánh chịu những tổn thất nặng nề.

Ông Ksor Pớ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Krông Pa cho rằng thủy điện An Khê-Ka Nak xả lũ là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng mức độ thiệt hại tại địa phương. Từ khi có thủy điện An Khê-Ka Nak, lưu lượng nước trên sông Ba không đều, mùa mưa xả lũ làm cho nước ứ đọng, ngập lụt một diện tích khá lớn. Do đó, địa phương đề nghị tỉnh và Trung ương cần có nghiên cứu sâu hơn để việc xả lũ của các thủy điện có tính khoa học hơn.

Tại hội thảo “Quản lý bền vững đất và nước ứng phó với hạn hán, lũ lụt, hoang mạc hóa và biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên” do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với các ngành chức năng của 5 tỉnh Tây nguyên tổ chức vào cuối năm 2013 tại thành phố Pleiku, hiện tượng lũ chồng lũ (hay còn gọi là lũ nhân tạo) do việc xả lũ từ các thủy điện xuống vùng hạ lưu đã được các đại biểu nhắc đến như một mối nguy hại khôn lường. Điển hình là trong trận bão số 15 của năm 2013, các thủy điện ở Tây Nguyên, trong đó có thủy điện An Khê-Ka Nak đã góp phần không nhỏ khiến vùng hạ lưu bị ngập lụt sâu hơn, thời gian kéo dài lâu hơn và thiệt hại cũng lớn hơn.

Cùng với đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam còn nêu ra một mối nguy hại khôn lường khác trong mùa mưa lũ. Đó là sự rủi ro do vỡ đập thủy điện, đặc biệt là đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ. Vụ vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai vào tháng 6/2013 là một minh chứng điển hình.

Nhận thấy những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến các công trình thủy điện, trong buổi làm việc mới đây giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên với Tỉnh ủy Gia Lai, ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết Ban Chỉ đạo Tây Nguyên sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và chính quyền quyền địa phương tập trung rà soát, tiến tới loại bỏ các công trình thủy điện chưa triển khai.

Cũng theo ông Hùng, có thể một số công trình thủy điện chuẩn bị đầu tư nhưng ảnh hưởng quá lớn đến môi trường, đến đất đai, đến đời sống người dân và phương án đền bù, giải tỏa và báo cáo tác động môi trường không tốt có thể bị tạm dừng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục