Thủy điện xả nước cầm chừng không chống hạn được cho ĐBSCL

Theo Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long, việc đập thủy điện Trung Quốc xả nước cầm chừng không còn ý nghĩa chống hạn cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủy điện xả nước cầm chừng không chống hạn được cho ĐBSCL ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long xung quanh vấn đề này.

- Việc đắp đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đang được cho là một trong những nguyên nhân làm cho hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt tại Đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông, việc xả nước các đập thủy điện hiện nay sẽ giúp Đồng bằng sông Cửu Long chống hạn và xâm nhập mặn như thế nào?

- Phó giáo sư-tiến sỹ Lê Anh Tuấn: Đập thủy điện của Trung Quốc đang cần giữ nước nên dù có muốn đáp ứng yêu cầu của Việt Nam họ cũng không thể xả nhiều. Nước xả cầm chừng lại chảy qua đoạn đường hơn 3.000km, qua nhiều quốc gia khác cũng đang hạn hán, cần nước. Nước về tới Đồng bằng sông Cửu Long không còn bao nhiêu, không còn ý nghĩa chống hạn và xâm nhập mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long.

- Thưa ông, giả thiết đập thủy điện Trung Quốc sẽ xả lượng nước lớn nhất có thể và chảy dọc đường không bị chặn lấy thì mất bao lâu mới tới Đồng bằng sông Cửu Long?

- Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Tuấn: Mất khoảng 2 đến 3 tuần.

- Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn hiện nay, theo ông, Đồng bằng sông Cửu Long phải làm gì?

- Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Anh Tuấn: Trước thực trạng trên, cần suy nghĩ, tính toán chiến lược lâu dài cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là cần nhanh chóng sửa những sai lầm trước đây.

Chẳng hạn, không còn đắp đê bao tràn lan ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên để làm lúa ba vụ nữa mà tạo vùng dự trữ nước ngọt; xem xét lại hệ thống kênh thoát lũ biển Tây bây giờ lũ không còn lại thành kênh xâm nhập mặn. Điều chỉnh quy hoạch, bố trí lại sản xuất và quá trình này cần lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục