Thủy sản phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 8,5 tỷ USD năm 2015

Năm 2015, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt 6,65 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2014; kim ngạch xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2014.
Thủy sản phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 8,5 tỷ USD năm 2015 ảnh 1Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Tại hội nghị Tổng kết nhiệm vụ năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 của Tổng cục Thủy sản, ngày 26/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết năm 2015, mục tiêu của ngành thủy sản là xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD, tăng 10,7%.

Năm 2015, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt 6,65 triệu tấn, tăng 5,5% so với năm 2014; trong đó khai thác thủy sản 2,7 triệu tấn (tăng 0,7%), nuôi trồng 3,95 triệu tấn (tăng 9,7%).

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho biế đĐể đạt được mục tiêu này, trong năm tới, Tổng cục Thủy sản sẽ tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản; kiểm soát tốt chất lượng vật tư thủy sản; trong đó kiểm tra sát sao các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chất lượng thức ăn, kháng sinh, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng và con giống.

Năm 2015, ngành thủy sản tập trung triển khai các nhiệm vụ theo định hướng, mục tiêu, nội dung của Chiến lược Phát triển ngành thủy sản đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cùng toàn ngành nông nghiệp phát triển nông thôn thực hiện chủ đề “Năm vệ sinh an toàn thực phẩm nông nghiệp.”

Năm 2014, ngành thủy sản phải đối mặt với các khó khăn thách thức về thời tiết, dịch bệnh, các rào cản thị trường cùng những biến động trên Biển Đông nhưng ngành đã vượt qua nhiều khó khăn và giành thắng lợi lớn, đóng góp quan trọng vào những kết quả khá toàn diện của ngành.

Nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng, có sự chuyển dịch khá rõ nét trong điều chỉnh cơ cấu giữa các đối tượng nuôi (nhất là đối với tôm thẻ chân trắng và tôm sú), phát huy được thời cơ, lợi thế của sản xuất tôm của Việt Nam và các nước.

Để hoạt động khai thác hải sản đạt hiệu quả cao, công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi hải sản, giảm tổn thất sau khai thác… đã được chú trọng. Đặc biệt, Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản đã tạo tiền đề cho thực hiện chính sách lớn về phát triển thủy sản để khai thác hiệu quả nguồn lợi, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho ngư dân.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản còn chưa theo kịp thực tế phát triển sản xuất; dịch bệnh trong nuôi tôm, cá tra, ngao, tu hài tuy đã được kiểm soát tốt hơn nhưng nguy cơ bùng phát bệnh còn rất cao; kiểm soát chất lượng giống, vật tư đầu vào còn hạn chế, gây nguy cơ mất an toàn, giảm hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh đó, công tác giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác hải sản chuyển biến chưa nhiều, chất lượng sản phẩm thủy sản cả khai thác và nuôi trồng chưa ổn định, tồn dư kháng sinh còn cao nhất là trong tôm nuôi nước lợ chưa được kiểm soát tốt, nguy cơ bị rào cản thị trường xuất khẩu gia tăng.

Năm 2014, tổng sản lượng thủy sản đạt 6,3 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm ngoái. Giá trị xuất khẩu đạt 7,92 tỷ USD, tăng 18% so với năm ngoái và vượt 11,6% so với kế hoạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục