Thụy Sĩ tích cực vận động làm chủ nhà cuộc gặp Mỹ-Triều Tiên

Thụy Sĩ là một trong những nước mong muốn được đón tiếp Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên trong cuộc gặp thượng đỉnh được mong chờ dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.
Thụy Sĩ tích cực vận động làm chủ nhà cuộc gặp Mỹ-Triều Tiên ảnh 1Cuộc gặp Thượng Đỉnh Mỹ-Triều dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới. (Nguồn: Getty Images)

Thụy Sĩ là một trong những nước mong muốn được đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh được mong chờ dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới. 

Ngày 20/4, phóng viên TTXVN tại Geneva dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Washington đã tiến hành xem xét, đánh giá bước đầu về những địa điểm tiềm năng có thể tổ chức cuộc gặp lịch sử này.

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc và Bình Nhưỡng của Triều Tiên bị loại trừ vì lý do an ninh. Thụy Sĩ được đề cập đến như một trong số những địa điểm phù hợp nhất.

Các bước tiếp xúc, vận động của Thụy Sĩ cũng được tiến hành cả với Trung Quốc, quốc gia đóng vai trò trung gian cho cuộc gặp thượng đỉnh trên.

[Trung Quốc hy vọng kết quả tích cực từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều]

Trong chuyến công du đến Bắc Kinh hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis đã thông báo với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị về việc Thụy Sĩ sẵn sàng đăng cai sự kiện.

Theo một nguồn tin tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã ghi nhận đề nghị của Ngoại trưởng Thụy Sĩ mà không đưa ra bình luận.

Nếu được lựa chọn và vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên đạt được bước ngoặt tại Thụy Sĩ, uy tín của nước này sẽ "tăng điểm" đáng kể.

Đối với Thụy Sĩ, đây là vấn đề uy tín nhưng cũng là bí quyết, kinh nghiệm trong việc hòa giải. Chính phủ nước này "hoan nghênh thiện chí của Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên gặp mặt để bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa."

Theo Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, trong những năm 90 của thế kỷ trước, nước này cũng đã từng tổ chức nhiều cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên với sự tham gia của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên.

Thỏa thuận duy nhất trong lịch sử được ký kết giữa Washington và Bình Nhưỡng tại Geneva hồi tháng 10/1994, theo đó Triều Tiên phải đóng băng và sau đó là dỡ bỏ chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, thỏa thuận trên đã không mang lại những kết quả mong đợi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục