Thoát khỏi cướp biển

Thủy thủ được cứu kể chuyện về cướp biển Somalia

"Chúng tôi đã bị hành hạ ghê gớm, bị bỏ đói, khát. Suốt quãng thời gian này, chúng tôi luôn bị buộc dây như những con vật vậy."
Thuyền trưởng người Gruzia của một tàu chở hàng mới được cướp biển Somalia trả tự do gần đây nói hôm 10/1 rằng đội thủy thủ gồm người Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ của ông đã bị "hành hạ ghê gớm" trong 18 tháng bị giam cầm.

"Chúng tôi đã bị hành hạ ghê gớm, bị bỏ mặc trong đói, khát. Suốt quãng thời gian này, chúng tôi luôn bị buộc dây để ở lại một chỗ, như những con vật vậy," thuyền trưởng Memed Zakaradze kể với kênh truyền hình Rustavi của Gruzia qua điện thoại.

"Nhưng không một giây nào chúng tôi hết hy vọng" - ông nói.

Những tên cướp có vũ trang đã leo lên con tàu hàng treo cờ Malta khi nó đi ngang qua vịnh Aden hồi tháng 9/2010 và đã bắt giữ thủy thủ đoàn gồm 15 người Gruzia và 3 người Thổ Nhĩ Kỳ.

Con tàu đang trong chặng cuối của hành trình tới Ấn Độ để được rã thành sắt vụn, trong khi chủ sở hữu tàu ở Hy Lạp đã bị phá sản, khiến cho các thủy thủ hoàn toàn bị mắc kẹt lại quốc gia châu Phi, bởi những tên cướp yêu cầu người ta phải trả khoản tiền chuộc trị giá 9 triệu USD để đổi lấy tự do.

[Tàu chiến NATO giải cứu tàu hàng Iran và Ấn Độ]

Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili nói rằng các thủy thủ được trả tự do hôm 8/1, thông qua các cuộc thương thảo bí mật, với chi tiết mà ông chưa thể công bố.

"Gruzia luôn chiến đấu vì các công dân của mình," Saakashvili nói hôm thứ Ba trong một bài phát biểu trên truyền hình.

Trong khi từ chối cung cấp chi tiết, giới chức Gruzia cũng bác bỏ việc họ phải trả tiền chuộc.

"Không có tiền chuộc hoặc thứ gì tương tự được trả cho cướp biển," phát ngôn viên Cơ quan Vận tải Đường thủy Ana Gomarteli, cho AFP biết.

Bà nói rằng các thủy thủ hiện đang tới "một cảng biển an toàn ở châu Phi cùng một đội bảo vệ có vũ trang" và sẽ về Gruzia vào thứ Hai tuần tới.

"Sau khi họ trở về Gruzia, chúng tôi sẽ có thể thông báo chi tiết hơn về việc họ đã được trả tự do ra sao" - bà nói.

Cướp biển ngoài khơi Somalia, một tuyến đường biển quan trọng dẫn tới Kênh đào Suez, đã tăng lên hồi năm 2007 và đạt mốc kỷ lục hồi năm 2010, theo một báo cáo do Cơ quan Hàng hải Quốc tế công bố hồi năm ngoái.

Còn theo Ecoterra International, một tổ chức đấu tranh vì môi trường và nhân quyền chuyên giám sát các hoạt động đường biển, bọn cướp hiện đang giữ ít nhất 43 tàu và hơn 400 thủy thủ./.
 
Gia Bảo (AFP/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục