Thủy triều đen ở Caribe

"Thủy triều đen" có thể tấn công bờ biển tại Caribe

Quan chức Caribe lo ngại khả năng các thảm dầu loang sẽ tấn công các bờ biển đẹp của khu vực này vào mùa mưa khốc liệt sắp đến.
Tại cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo và ngoại trưởng các nước vùng Caribe ở Barbados, có sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ngày 10/6, các quan chức vùng Caribe đã bày tỏ sự lo ngại thảm họa "thủy triền đen" tại Mỹ có thể tấn công các bãi biển đẹp nổi tiếng của khu vực này.

Hầu hết các quan chức vùng Caribe đều quan ngại trong bối cảnh mùa mưa bão khốc liệt trong năm sắp đến, khả năng các thảm dầu loang, hình thành sau sự cố nổ giàn khoan Deepwater Horizon hồi cuối tháng Tư tại Vịnh Mexico, sẽ không chỉ tấn công các bờ biển của Mỹ mà còn lan đến bờ biển của các nước Caribe trong đó có Bahamas, Jamaica.

Nếu điều này xảy ra, các bờ biển nổi tiếng, phụ thuộc chủ yếu vào du lịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Để trấn an những nghi ngại này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary đã khẳng định Washington hy vọng điều tội tệ này sẽ không xảy ra.

Bà nhấn mạnh Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang nỗ lực hết sức nhằm khống chế lượng dầu tràn và hạn chế thiệt hại.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ còn kêu gọi các nước vùng Caribe hợp tác với Washington thực thi kế hoạch ứng phó với những sự cố bất ngờ mới, thay vì chủ yếu tập trung vào việc hạn chế dầu tràn.

Cùng ngày, các phương tiện truyền thông đại chúng của Anh đưa tin Thủ tướng nước này David Cameron cho biết cuối tuần này, có thể ông sẽ điện đàm với Tổng thống Obama về biện pháp xử lý tràn dầu của BP trên Vịnh Mexico.

Giới truyền thông Anh cho rằng Thủ tướng Cameron đã phải "vào cuộc" vì lo ngại vấn đề BP sẽ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao Anh-Mỹ, dấy lên tư tưởng "chống Anh" tại Mỹ sau vụ tràn dầu tại Vịnh Mexico.

Thị trưởng London Boris Johnson còn cho rằng vấn đề trên đã trở thành "mối quan tâm quốc gia."

Tuy nhiên, người phát ngôn chính thức của Thủ tướng Cameron khẳng định London không có phản ứng ngoại giao nào về việc BP bị chỉ trích hay các ngôn từ nói về vụ việc này.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs cũng cho biết Chủ tịch BP Carl-Henric Svanber và một số quan chức khác của BP đã được gửi thư mời gặp Tổng thống Obama vào ngày 16/6 tới, khi họ đến Washington tham dự phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ Tổng thống Obama có gặp Tổng giám đốc điều hành BP Tony Hayward - người đã bị ông dọa sa thải hay không. Ngoài ra, ông Gibbs còn khẳng định sự cố tràn dầu sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Anh.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ P.J. Crowley cũng bác bỏ quan điểm cho rằng thảm họa tràn dầu đang diễn ra ở Vịnh Mexico liên quan đến Tập đoàn BP đã trở thành nguồn gốc gây căng thẳng ngoại giao giữa hai nước đồng minh thân cận này.

Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo ở Anh lên tiếng kêu gọi chính phủ bảo vệ BP trước những đe dọa của Mỹ về việc mở rộng điều tra trách nhiệm của tập đoàn này về vụ tràn dầu.

Trong một diễn biến khác liên quan, cũng trong ngày 10/6, tại cuộc gặp với gia đình của 11 công nhân thiệt mạng trong sự cố nổ giàn khoan Deepwater Horizon, kéo dài 50 phút tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân của các nạn nhân, đồng thời cam kết sẽ luôn ở bên giúp họ vượt qua sự đau buồn và mất mát.

Theo thống kê mới nhất của Chính phủ Mỹ, hiện mỗi ngày có khoảng 20.000-40.000 thùng dầu đang trào ra từ giếng dầu bị vỡ của BP tại Vịnh Mexico, gấp đôi con số thống kê trước đó.

Trong khi đó, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua dự luật cho phép chi cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ 100 triệu USD trong quỹ ủy thác để dọn sạch dầu loang. Hiện dự luật này đã được chuyển cho Tổng thống Obama ký ban thành luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục