Thủy Vân - "Chòng chành" tiếp nối cảm xúc Đàn bà

Sau triển lãm tranh năm 2008 về đề tài cuộc sống đàn bà, nhà bào-nhà thơ Đỗ Thu Thủy tiếp tục mạch cảm xúc "đàn bà" với một triển lãm mới.
Sau khi bất ngờ làm một triển lãm mỹ thuật chung vào năm 2008, nhà báo - nhà thơ Đỗ Thu Thủy (bút danh Thủy Vân) tiếp tục theo đuổi nghiệp vẽ và quyết định đứng riêng với triển lãm mang tên "Chòng chành," từ 13-21/7 tại Viet Art Centre (42 Yết Kiêu, Hà Nội).

Đây là triển lãm trước lúc chị nghỉ hưu, sau hơn 30 năm làm báo.

Cả đời lúc nào cũng “chòng chành”

25 tác phẩm sơn dầu là cuộc sống đàn bà với những nhọc nhằn, lo toan rất... đàn bà. Vẫn tiếp nối mạch cảm xúc "Đàn bà" (tên triển lãm chung lần trước), nhưng màu sắc, hình họa và tâm thế của người vẽ đã vững vàng hơn.

Mạnh về cảm xúc, với một người vẽ không qua trường lớp như chị, trải cảm xúc lên toan, dùng màu, hình hay khối đều bị chi phối bởi cảm xúc thì chính cảm xúc làm nên sức hút của tác phẩm. Còn hơn thế, với Thủy Vân, bản năng đàn bà mãnh liệt giấu sau vẻ ngoài thơ ngây, hồn nhiên càng bộc phát trong tranh.

Nỗi đau người mẹ hay khát bỏng của người tình đều được chị đẩy đến đỉnh điểm cảm xúc. Với chị, mỗi bức tranh là một câu chuyện, một dòng cảm xúc riêng, rất riêng...

Thủy Vân tâm sự, “chòng chành” không phải là cảm giác bất an của riêng chị. Một thế hệ viết trong sự chòng chành, vẽ trong sự chòng chành và sống, dĩ nhiên, càng chòng chành. Làm sao không chòng chành, khi đi qua các cuộc chiến tranh, lấy chồng, đẻ con, lao đao vì bom đạn, sơ tán, lại chạy ngược, chạy xuôi trong thời buổi tem phiếu... Không chòng chành vì bão tố thời cuộc, lại chòng chành vì những đòi hỏi của cuộc sống hằng ngày. Không chòng chành vì xung đột nội tâm thì lại chòng chành vì tâm thế và lựa chọn...

“Lắm lúc tôi có cảm giác mình như con thuyền mà sóng gió bên ngoài quá lớn, nước mấp mé be thuyền, đáy thuyền thì thủng lỗ chỗ... Vừa cuống quýt chèo chống, vừa hốt hoảng múc nước để con thuyền khỏi bị đắm, bị lật úp... Nghĩa là lúc nào cũng chòng chành. Sống chòng chành thì đương nhiên viết, vẽ và nghĩ ngợi cũng chòng chành...”, chị chia sẻ. Hai năm liền, chị hầu như đắm đuối với tranh, ở nhà vẽ và vẽ...

Bởi chị đang yêu…

Thủy Vân là “đàn chị” trong làng báo văn hóa-văn nghệ ở Hà Nội được nhiều “đàn em” yêu quý và kính trọng vì những bài viết đến “độ.” Chị dành nhiều thời gian theo đuổi đề tài âm nhạc hàn lâm và góp sức đưa thứ âm nhạc bác học này đến gần hơn với công chúng, qua những bài viết cảm nhận về các đêm nhạc ở Nhà hát Lớn Hà Nội, về những nhạc sĩ Việt Nam theo đuổi con đường này... Chị tận tình giúp đỡ cánh trẻ, hướng đề tài, tổ chức bài viết...

Viết văn hóa - văn nghệ, theo cách của chị, có cái sang trọng mà vẫn hồn nhiên, sắc sảo mà vẫn giản dị. Thủy Vân trở thành cây bút có tên tuổi trên bào Sài Gòn giải phóng nhiều năm nay.

Hồn nhiên sống và vẽ, chị thật sự không có ý làm triển lãm nhưng rồi bạn bè động viên, giục giã và giúp chị cho một lần tự tin để đứng riêng. Vì vậy, có cả những bức bạn bè đã mua được mượn để triển lãm. Chị muốn một lần được chia sẻ cảm xúc “chòng chành” với những người tri ân và tri âm, để lại tiếp tục... chòng chành.

Sắp về hưu mà vẫn chòng chành là chút ái ngại khi gặp chị và xem tranh chị. Có phải nghiệp thơ phú đeo bám chị hay nghiệp đời nặng gánh mà trên đầu hai thứ tóc vẫn chưa yên? Vượt lên những khổ đau thường nhật, chị vẫn viết và vẽ, dù có khi nước mắt chảy vào tranh, hòa vào màu. Vẽ rồi xóa, lớp nọ chồng lớp kia... Bởi chị đang yêu.

Xem những Thiên đường, Mùa sinh, Noãn, Mầm, Xuân... thấy người phụ nữ Hà Nội này chưa bao giờ thôi khát khao và nồng nàn, như những vần thơ của chị được đọc lên tạo cảm hứng cho nghệ sĩ nhân dân Lan Hương độc diễn vở kịch hình thể đầu tiên của Việt Nam “Giấc mơ hạnh phúc” đoạt giải tại Liên hoan sân khấu kịch ngắn thể nghiệm quốc tế tổ chức tại Sơn Đông - Trung Quốc năm nào...
Đỗ Thu Thủy không một ngày được học vẽ nhưng 4 trong 5 anh chị em trong gia đình chị đều vẽ tranh. Anh cả Đỗ Giới vẽ khá nhất, hoạ sĩ Phạm Lực dạy vẽ cho từ nhỏ. Các em của chị: nhà báo Đỗ Hóa (đã mất) và nhà báo Đỗ Hương đều vẽ tranh để chơi. Họ đều cầm bút vẽ một cách tự nhiên và ngẫu hứng chứ chẳng ai học của ai hay có ý thức vẽ tranh vào lúc nào và vẽ để làm gì. Cô em Đỗ Hương đang làm báo tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đa đoan không kém chị nhưng mạnh mẽ không dễ mau nước mắt như chị. 
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục