Thuyết Âm Dương Ngũ hành trong tranh Hổ

Tranh Hổ hàng Trống, không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn thể hiện triết lý sâu xa về thuyết âm dương ngũ hành của người xưa.
Tranh Hổ hàng Trống, không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật mà còn thể hiện những triết lý sâu xa của người xưa. Tranh Hổ, sống động và uy nghiêm Chị Nguyễn Lan Anh, nhân viên Công ty bảo hiểm AAA vừa ngắm nghía bức tranh Ngũ Hổ mới được nghệ nhân Lê Đình Nghiên hoàn thành vừa kể: “Nhà tôi chẳng có ai tuổi Hổ, các cụ bảo năm Hổ nhà ai mà không có người tuổi Hồ thì phải có bức tranh Hổ trong nhà thì gia đình mới thịnh vượng.” Chị Lan Anh vốn là khách quen của nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Chị kể, năm nào cũng thế, mỗi dịp Tết đến chị đều mua tranh công đồng, tứ phủ hàng Trống về thờ nhưng năm nay là năm Dần nên chị chọn tranh ông Hổ để thờ. Chị cũng đặt hàng nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẽ rất nhiều tranh Hổ để gửi biếu bạn bè khắp các tỉnh, thậm chí có không ít bức tranh trong số đó đã được xuất ngoại. Theo ông Lê Đình Nghiên, nghệ nhân của tranh hàng Trống những bức tranh ông Hổ được xuất hiện từ đời nhà Trần, sau khi tướng Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên Mông. Để ca ngợi hào khí của dân tộc trong những ngày tháng đó, những bức tranh Hổ đã ra đời, chính vì thế, cái khó của người vẽ là làm sao thể hiện được cái uy, cái khí thế của thời đại. Hổ, cũng như các loài như Rắn, Rồng… đều là những hình ảnh linh vật được thể hiện rất nhiều trên những bức tranh hàng Trống. Chính vì thế cùng với tranh công đồng, tứ phủ… tranh Hổ cũng được dùng nhiều làm tranh thờ. Trong tranh hàng Trống, hình ảnh “ông Hổ” có 2 loại là tranh Ngũ Hổ và tranh Độc Hổ. Một bức tranh Độc Hổ lại có thể tùy thuộc vào ý muốn của từng người mà có 5 màu khác nhau. Ông Nghiên cũng cho biết, cái đẹp của những bức tranh Hổ hàng Trống là người vẽ làm sao phải thể hiện được những đường nét uốn lượn sống động nhưng vẫn làm nổi bật được phong thái uy nghiêm của “ông Ba Mươi”. Tuy nhiên, theo ông Nghiên thì điểm khó nhất trong bức tranh Hổ lại chính là cặp mắt. “Vẽ mắt phải làm sao toát lên được cái uy, cái thần thái của loài mãnh chúa. Người đi mua tranh tinh tường cũng chỉ thường chú ý đến điểm đó,” ông Nghiên chia sẻ. Thuyết Âm Dương Ngũ Hành trong tranh Hổ Bức tranh Ngũ Hổ có kích cỡ 0,55x0,75 m là bức được nhiều người ưa chuộng nhất vì nó thể hiện được sự hài hòa, cân đối cả ở bề ngoài từ màu sắc, bố cục đến ý nghĩa của bức tranh. 5 “ông Hổ” được bố cục rất hài hòa để tạo nên sự cân đối từ tư thế cho đến màu sắc. Mỗi ông Hổ trong tranh có một dáng vẻ, con thì đứng, con thì ngồi, con thì cưỡi mây, cưỡi gió. Mỗi con một màu sắc: Vàng, xanh, trắng, đỏ, đen và thế giới màu sắc đó thể hiện sự lộng lẫy, uy linh của một loài mãnh chúa. Mặc dù tất cả những màu sắc đó chỉ là mang tính ước lệ nhưng nó thể hiện quan niệm, triết lý của người xưa, ẩn chứa trong những màu sắc đó là quy luật tương sinh của thuyết Âm Dương Ngũ Hành với 5 mệnh Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Hoàng hổ là con hổ ngồi chính giữa bức tranh, được vẽ vờn bằng màu vàng, tượng trưng cho hành Thổ, ứng với trung ương chính điện. Thanh hổ là con hổ được vẽ bằng màu xanh tượng trưng cho hành Mộc, ứng với phương Đông. Bạch hổ là con hổ được vẽ bằng màu trắng hành Kim ứng với phương Tây. Xích hổ là con hổ được vẽ bằng màu đỏ hành Hỏa ứng với phương Nam. Hắc hổ là con hổ được vẽ bằng màu đen hành Thủy ứng với phương Bắc. Theo giải thích của nhà văn Băng Sơn, nếu nhìn từ phải qua trái và theo chiều kim đồng hồ, từ dưới lên trên thì người xem sẽ thấy bức tranh thể hiện quy luật tương sinh. Lần lượt, Mộc sinh Hỏa (bắt đầu nhìn từ ông Hổ màu xanh), Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc. Sự cân đối, hài hòa từ bên trong của bức tranh cũng là ở đó. Cũng theo nhà văn Băng Sơn, do thể hiện quy luật tương sinh nên những đôi mắt hổ trong tranh mặc dù rất nghiêm trang nhưng cũng rất hiền dịu. Những bức tranh Độc Hổ đều được sáng tạo dựa trên hình dáng, màu sắc và bổ cục của bức tranh Ngũ Hổ nói trên. Trên mỗi bức tranh Hổ, đều có dòng chữ “pháp đại uy linh”, thể hiện sự uy nghiêm của Ông Ba mươi bao trùm thần thái của bức tranh. Nói đến thuyết Âm Dương Ngũ Hành trong tranh Hổ, chị Lan Anh cũng tỏ ra rất hiểu biết về triết lý đó và giảng giải một cách rất cặn kẽ về việc thờ tranh Hổ trong nhà: “Những ai muốn thờ tranh Hổ trong nhà cũng phải chọn bức nào có màu sắc phù hợp với mệnh của mình. Không phải ai cũng thờ được tranh Hổ và cũng không phải thờ bức nào cũng đều phù hợp với gia chủ. Ví dụ ông xã tôi mệnh Thủy thì nên thờ bức tranh Hổ màu vàng vì màu vàng tượng trưng cho mệnh Kim, mà Kim lại sinh Thủy.” Ông Nghiên đang say sưa với bức vẽ thì chợt nhớ ra điều gì, rồi với ngay bức tranh và chỉ cho tôi thấy một chi tiết rất nhỏ, không hề nổi bật nhưng theo ông nó không thể thiếu trong bức tranh Hổ. “Nếu mất đi nó, tranh Hổ sẽ không giữ được sự uy nghiêm của một bức tranh linh vật và không thể trở thành tranh thờ được. Đó là chòm Thất tinh, được điểm ngay phía trên ông Hổ. Chòm Thất tinh này gồm 7 vì sao Tiểu Hùng tinh định vị phía Bắc của vòm trời,” ông Nghiên say sưa nói. Cũng theo ông Nghiên, nhờ hình vẽ về chòm Thất tinh đó mà người xưa xác định được vị trí của các vì sao trên vòm trời. Nói rồi ông Nghiên trầm ngâm, “nhiều người chơi hiểu ý nghĩa của tranh hàng Trống lắm, có khi họ còn sành hơn cả tôi. Nhiều khách coi tranh Hàng Trống như một thú chơi không thể thiếu của ngày Tết, cũng có không ít người mua để biếu nhau như một lời chúc phúc trong ngày xuân, nhưng điều làm tôi cảm thấy vui nhất là họ hiểu được giá trị của những bức tranh.”/.
Nếu như dòng tranh Đông Hồ với những hình ảnh dân dã, thể hiện những mong muốn, ước vọng của người nông dân, người lao động thì cuộc sống “phồn hoa thứ nhất Long Thành” lại cho ra đời dòng tranh hàng Trống, dòng tranh với những chất liệu thẩm mỹ phù hợp hơn với đời sống văn hóa của những người thị dân Kẻ Chợ.

Tranh Hàng Trống là loại tranh khắc gỗ rồi in lên giấy, sau đó dùng bút lông tô màu. Đó cũng là điểm khác biệt nhất giữa tranh hàng Trống và tranh Đông Hồ. Trong tranh Đông Hồ, cả nét vẽ lẫn mầu đều được in bằng bản khắc gỗ, còn tranh hàng Trống chỉ có nét đen bằng bản khắc gỗ.

Màu trong tranh hàng Trống là thuốc nước, tô bằng bút lông mềm rộng bản, một nửa ngọn bút chấm màu, nửa kia chấm nước lã nên màu sắc trong tranh rất tự nhiên, nhẹ nhàng và uyển chuyển hơn. Chính vì thế, cũng bằng một màu mực và chỉ một lần chấm mực nhưng cái tài của người nghệ nhân tranh Hàng Trống chính là tạo ra được những nét tranh đậm nhạt, uốn lượn khác nhau./.
Nguyễn Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục