Tia chớp Bolt vẫn sáng, kình ngư Phelps sa sút

Một năm sau kỳ Olympic, Usain Bolt tiếp tục chinh phục đỉnh cao tốc độ nhưng "siêu kình ngư" Michael Phelps lại có dấu hiệu sa sút.
Dù 2009 là một năm lẻ sau Thế vận hội Bắc Kinh, các môn thể thao Olympic vẫn thu hút nhiều sự chú ý, khi giải Vô địch thế giới diễn ra tại Roma (bơi lội) và Berlin (điền kinh). Và dĩ nhiên, Usain Bolt và Michael Phelps vẫn là những cái tên được quan tâm nhất.

Usain Bolt: Nhanh, nhanh nữa, nhanh mãi…

Chẳng ai còn nhắc tới Asafa Powell nữa, bởi cơn lốc một thời này đã chìm nghỉm trước những thành tích cực kỳ thuyết phục của người đồng hương trẻ tuổi Usain Bolt. Một năm sau khi chói sáng ở Thế vận hội Bắc Kinh 2008, “tia chớp Jamaica” tiếp tục chinh phục những cột mốc mới về tốc độ và khiến cho khán giả ngày càng băn khoăn hơn khi xác định xem đâu là giới hạn mà con người không thể vượt qua.

Năm ngoái, Sân vận động Tổ Chim ở Bắc Kinh (Trung Quốc) từng chứng kiến những bước chạy thần tốc của Bolt. Anh đã tự phá kỷ lục thế giới của chính mình ở cự ly 100m với thành tích 9 giây 69, ở cự ly 200m với 19 giây 30, và 4x100m tiếp sức với 37 giây 10.

Điều kỳ diệu là một năm sau, anh lại xô đổ những cột mốc ấy một cách đầy thuyết phục. Cuộc so tài hứa hẹn gay cấn với Tyson Gay đã kết thúc với thắng lợi tuyệt đối của Bolt, khi anh cán đích với thời gian 9 giây 58, sớm hơn đối phương đến 0,23 giây. Ở đường chạy 200m.

Bolt cũng không có đối thủ khi lập kỷ lục thế giới mới với thời gian 19 giây 10. Vào ngày bế mạc, thị trưởng thành phố Berlin thậm chí còn tặng anh một… đoạn thuộc bức tường Berlin nổi tiếng (1961-1989, chia cách 2 phần Đông Tây Berlin), để ghi nhớ những chiến tích tuyệt vời ấy.

Dù chỉ xếp thứ hai trên bảng tổng sắp huy chương (sau Mỹ), nhưng chính Jamaica mới là đoàn gây ấn tượng nhất tại Berlin. Ở độ tuổi 23, Bolt đã giành được 6 huy chương vàng ở hai sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, chinh phục 5 kỷ lục thế giới và được xem là một huyền thoại sống.

Trước những dấu hiệu thăng tiến không ngừng nghỉ của Bolt, không ít người băn khoăn liệu anh đã dừng lại ở 9 giây 58 hay chưa. Tại Manchester hồi tháng Năm, khi giành kỷ lục thế giới ở cự ly 150m với thời gian 14 giây 35, Bolt đã chạy 100m cuối mà chỉ hết có 8 giây 70!

Năm 2010 có thể sẽ chứng kiến một thay đổi lớn của Bolt, khi anh quyết định dấn thân vào một thử thách mới: nhảy xa. Theo huyền thoại Mike Powell, người đang giữ kỷ lục thế giới 8m95 thì với tốc độ, và sức mạnh của Bolt, anh hoàn toàn có thể chinh phục cột mốc 9m. Nếu điều đó xảy ra, đó sẽ lại là một kỳ tích mới của người đàn ông nhanh nhất hành tinh này.

Michael Phelps: Nạn nhân của cuộc chiến công nghệ?

Bolt đã ở trên đỉnh vinh quang, nhưng người ta có cảm giác anh vẫn có thể vượt qua chính mình. Còn với trường hợp của Michael Phelps, người đã được tôn vinh là huyền thoại của những huyền thoại khi giành 8 huy chương vàng cùng 7 kỷ lục thế giới Thế vận hội, thì khác. Rất nhiều chuyên gia cho rằng kình ngư người Mỹ sẽ không bao giờ vượt được qua kỳ tích ở Bắc Kinh nữa.

Thực ra thì Phelps thi đấu không đến nỗi quá tệ trong năm 2009. Bằng chứng là anh đã giành 5 huy chương vàng (2 cá nhân, 3 đồng đội) ở giải vô địch các môn thể thao dưới nước diễn ra ở Roma cuối tháng Bảy. Nhưng rõ ràng những tấm huy chương ấy không thể so sánh với thành tích 1 năm trước đó.

Không những thế, việc anh mất huy chương vàng vào tay Biedermann ở nội dung 200m tự do sở trường đã bị xem là một thất bại ghê gớm. Trước đó, hồi tháng Năm, Phelps cũng gục ngã ở nội dung 100m bơi ngửa và 100m tự do ở giải USA Grand Prix. Đó là thất bại đầu tiên của Phelps trong lần đầu tiên tái xuất đường đua xanh, 9 tháng sau khi ca khúc khải hoàn ở Bắc Kinh.

Một năm trước, Speedo là hãng số một về trang phục bơi công nghệ cao, và đó là một phần nguyên nhân giúp Phelps tỏa sáng ở Bắc Kinh. Nhưng bây giờ, X-Slide đã vượt lên nhờ những bộ đồ bơi làm bằng chất liệu polyurethane, có tác dụng triệt tiêu tối đa lực ma sát và giảm tối đa diện tích tiếp xúc giữa da với môi trường nước nhờ thiết kế bó toàn thân.

Biedermann, người từng về thứ 17 ở Bắc Kinh nhưng đã đánh bại Phelps một năm sau đó nhờ mặc bồ đồ này. Như vậy, sự cạnh tranh trên đường đua xanh thực chất chỉ là một cuộc chiến công nghệ. Có lẽ vì để công bằng hơn, từ tháng 1/2010, FINA đã tuyên bố cấm các vận động viên mặc những bộ đồ công nghệ cao khi thi đấu.

Nhưng đó cũng chỉ là một cách biện minh cho sự sa sút của Phelps. Thực tế là kình ngư người Mỹ đã chịu những tác động tiêu cực từ bản án kỷ luật cấm 3 tháng thi đấu, sau khi lộ ảnh hút ma túy (do tờ News of the World công bố) hồi tháng Hai vừa qua. Rõ ràng leo lên đỉnh vinh quang đã khó, trụ lại đó còn khó hơn nhiều./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục