“Tia chớp” Usain Bolt giúp Olympic lấy lại ánh hào quang

Tại Olympic Rio lần này, Usain Bolt cùng với Michael Phelps được xem như hai vận động viên được chú ý nhất, bởi đây sẽ là kỳ Thế vận hội cuối cùng của cả hai.
“Tia chớp” Usain Bolt giúp Olympic lấy lại ánh hào quang ảnh 1Usain Bolt. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Đã có lúc, các cuộc thi tài ở Olympic không còn mang nhiều sức hút trước sức cạnh tranh của các sự kiện thể thao lớn khác như World Cup bóng đá. Nhưng rồi Thế vận hội đã chứng tỏ được đây mới chính là ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Một phần lớn là nhờ vào Usain Bolt.

Trong chuyến thăm Jamaica vào đầu tháng 4/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định ông "nhất định phải gặp một người." Đó chính là Usain Bolt - vận động viên điền kinh người Jamaica hiện đang nắm giữ kỷ lục thế giới ở cả hai cự ly 100m (9,58 giây) lẫn 200m (19,19 giây).

Khi trực tiếp gặp gỡ Bolt, ông Obama không chỉ hào hứng chụp ảnh kỷ niệm với Bolt mà còn tự hào giới thiệu về anh với những người xung quanh: "Trong lịch sử chưa từng có ai chạy nhanh như anh ấy. Chưa bao giờ. Trong hàng tỷ con người!"

Kết thúc buổi gặp, ông Obama còn đề nghị Bolt tạo dáng kiểu ăn mừng "tia chớp" đã trở thành thương hiệu của anh. Việc được một nguyên thủ hàng đầu hâm mộ đến nhường ấy cho thấy những thành tích phi thường của Bolt đã giúp tên tuổi anh vượt xa khỏi biên giới môn điền kinh.

"Tia Chớp" vô đối

Tại Olympic Rio lần này, Usain Bolt cùng với Michael Phelps được xem như hai vận động viên được chú ý nhất. Không chỉ bởi những tấm huy chương vàng rực rỡ mà họ từng đoạt trong quá khứ, mà còn bởi đây sẽ là kỳ Thế vận hội cuối cùng của cả hai. Trên đường đua xanh, kình ngư Phelps đã giành được tổng cộng năm huy chương và chịu về nhì ở bộ môn100m bơi bướm trước Joseph Schooling của Singapore. Còn trên sân điền kinh, Bolt đơn giản là không có đối thủ.

Nếu như sải tay dài và bàn chân khổng lồ giúp Phelps có lợi thế bẩm sinh so với những kình ngư khác thì chiều cao 1m95 và sải chân dài của Bolt lại bị xem như những bất lợi trong chạy cự ly ngắn. Anh thường xuyên xuất phát chậm hơn những đối thủ nhưng bù lại một khi đã vào guồng, Usain thực sự là một "tia chớp" như nghĩa của từ Bolt trong tiếng Anh. Trên tờ Daily Mail, cựu vận động viên Michael Johnson đã phân tích: "Những vận động viên Olympic đều có tố chất, tài năng vượt xa người thường. Nhưng Bolt thậm chí còn ở đẳng cấp cao hơn cả những vận động viên Olympic."

Một trong những khoảnh khắc nổi bật nhất kỳ Olympic 2016 đã được nhiếp ảnh gia Cameron Spencer ghi lại, cho thấy Usain Bolt phăm phăm về đích trong vòng bán kết nội dung chạy 100m và thậm chí còn quay sang nhoẻn miệng cười, trong khi những đối thủ đằng sau anh đang cắn răng chạy để bắt kịp. Hãy nghe thành viên Justin Gatlin chia sẻ trên ESPN về cảm giác khi phải thi đấu trong thời đại của Usain Bolt: "Bạn tập luyện trầy vi tróc vẩy cùng các đồng đội, cạnh tranh với họ gần như suốt cả năm. Và để rồi giờ đây mọi nỗ lực ấy đều đổ xuống sông xuống biển."

Từ Bắc Kinh 2008, London 2010 cho tới 2016, Usain Bolt đã lập nên một kỷ lục vô tiền khoáng hậu: "cú hattrick ăn ba" (Triple-Triple) khi giành huy chương Vàng tại cự ly 100m, 200m và 4x100m tiếp sức tại ba kỳ Thế vận hội liên tiếp. Tổng thời lượng để Bolt và các đồng đội xác lập nên kỷ lục đó chỉ là 198,74 giây, tức là 9 chiếc huy chương Vàng đã được mang về chỉ trong vòng hơn ba phút!

Thành tích đó đang đứng trước nguy cơ mang một vết gợn khi người đồng đội Nesta Carter từng tham gia nội dung 4x100m với Bolt tại Bắc Kinh tám năm trước vừa bị phát hiện dương tính với chất cấm sau một cuộc kiểm tra lại mẫu nước tiểu. Carter là người cầm gậy tiên phong trong khi Bolt là người chạy cuối cùng và nếu kết quả trên là sự thật thì đội điền kinh Jamaica nhiều khả năng sẽ bị tước bỏ huy chương Vàng năm 2008.

Nhưng nếu điều đó có xảy ra thì hình ảnh của Bolt cũng không kém phần long lanh là mấy. Anh là vận động viên bị kiểm tra doping nhiều bậc nhất song chưa một lần có kết quả dương tính. Khi một vận động viên làm được những điều phi thường như Bolt, bên cạnh những tiếng trầm trồ thán phục sẽ luôn tồn tại những hoài nghi. Nhưng Bolt luôn lên tiếng khẳng định mình "không bao giờ sử dụng chất cấm và muốn cùng Liên đoàn Điền kinh làm trong sạch bộ môn thể thao này". Trong số 30 kỷ lục chạy 100m trong lịch sử, có tới chín kỷ lục thuộc về Bolt (bao gồm ba kỷ lục ở vị trí đầu). 21 kỷ lục còn lại thuộc về những vận động viên đều từng có kết quả dương tính với doping trong sự nghiệp!


"Người vĩ đại nhất"

Trong phần thi chạy 100m ở Olympic 2008, Usain Bolt đã có động tác dang tay ăn mừng chiến thắng trong khoảng chục mét cuối. Dù cho thành tích 9,69 giây của anh đã là kỷ lục thế giới khi đó, cho đến tận ngày nay nhiều người vẫn có cảm giác rằng nếu ở chục mét cuối ấy, Bolt nỗ lực hơn thì anh thậm chí còn có thể phá sâu kỷ lục!

"Cảm giác" ấy càng đáng sợ nên nếu nghĩ rằng một Bolt chưa chạy hết công suất mà còn vượt trội đến vậy thì khi anh ta quyết tâm trên 100% thì còn khủng khiếp đến nhường nào? Tại Olympic 2004 ở Hy Lạp, chàng trai 18 Bolt từng không lọt nổi vào chung kết. Khi về nước, anh đã "tầm sư học đạo" huấn luyện viên Glen Mills và mất hai năm liền cùng hàng ngàn giờ khổ luyện để chỉnh sửa những sai sót trong kỹ thuật của anh. Sau khi tiềm năng của Bolt được hướng dẫn đúng cách, anh đơn giản là không thể ngăn chặn.

Cái tên Usain Bolt được gắn với niềm vui, sự hứng khởi. Bolt công khai mình là fan ruột của đội bóng Manchester United và từng đăng đàn để chê "Quỷ đỏ" dưới thời Van Gaal là quá nhạt nhẽo. Anh cho biết: "Tôi mơ ước được khoác áo Manchester United một ngày nào đó, nhưng không phải dưới thời của Van Gaal. Giá mà huấn luyện viên của United là Jurgen Klopp - người thường chơi với phong cách tấn công." Với Bolt, bạn không chỉ phải chiến thắng đơn thuần mà còn phải thắng đẹp.

Bolt là một cá tính lớn, là "kẻ mang lại sức sống cho một môn thể thao tưởng chừng đang chết dần chết mòn" như nhận định của hãng thông tấn AP. Vị thế siêu sao của Bolt được thể hiện bằng cách các khán đài luôn chật cứng mỗi khi có anh trên đường chạy. Nhất cử nhất động của Bolt từ khi khởi động đều không lọt khỏi hàng ngàn con mắt của khán giả lẫn ống kính máy ảnh, và khi anh kết thúc phần thi cũng là lúc bữa tiệc thực sự được bắt đầu. Người ta đã quá quen thuộc với hình ảnh Bolt khoác lên mình lá cờ Jamaica, nhảy những điệu nhảy truyền thống và mỉm cười chụp ảnh selfie cùng đám đông người hâm mộ sau khi giành chiến thắng.

Tại Rio, Bolt đã chỉ vào ống kính máy quay và vỗ ngực: "Tôi là số 1. Tôi còn phải làm điều gì để chứng tỏ cho thế giới tôi là người vĩ đại nhất nữa đây? Tôi muốn mình đứng trong hàng ngũ của những huyền thoại như Muhammad Ali hay Pele. Tôi hy vọng rằng sau Thế vận hội này, tôi sẽ được ngồi cùng mâm với bọn họ."

Bolt hoàn toàn có cơ sở để tin vào điều đó. 11 chức vô địch thế giới, 9 huy chương Vàng Olympic và kỷ lục 9,58 giây trên đường chạy 100m. Đó là những thành tích chưa từng có trong lịch sử và các chuyên gia tin rằng sẽ còn rất lâu nữa mới có người phá nổi.

Điền kinh là môn thể thao đơn giản, và Bolt là người khiến những chiến thắng trở nên đơn giản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục