Tia sáng từ những nỗ lực đàm phán của Iran và Saudi Arabia

Hai quốc gia đối địch là Saudi Arabia và Iran đã tổ chức các cuộc hội đàm chính thức tại thủ đô Baghdad của Iraq trong vài tuần gần đây với mục tiêu khôi phục mối quan hệ vốn bị cắt đứt 5 năm trước.
Tia sáng từ những nỗ lực đàm phán của Iran và Saudi Arabia ảnh 1(Nguồn: iranobserver.org)

AFP/AP đưa tin theo nguồn tin từ một quan chức Iraq và một nhà ngoại giao phương Tây, hai quốc gia đối địch tại Trung Đông là Saudi Arabia và Iran đã tổ chức các cuộc hội đàm chính thức tại thủ đô Baghdad của Iraq trong vài tuần gần đây.

Những sự kiện này được tổ chức với mục tiêu khôi phục mối quan hệ vốn bị cắt đứt 5 năm trước giữa vương quốc Hồi giáo theo dòng Hồi giáo Sunni và nền cộng hòa Hồi giáo dòng Shi’ite.

Sáng kiến được triển khai trong bối cảnh có nhiều diễn biến đáng chú ý liên quan tới khu vực, với việc Tổng thống Joe Biden tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 vốn bị người tiền nhiệm Donald Trump ruồng bỏ.

[Iran hoan nghênh cuộc đối thoại với quan chức Saudi Arabia]

Trên phương diện chính thức, Riyadh phủ nhận các cuộc hội đàm với Tehran, trong khi nước cộng hòa Hồi giáo giữ im lặng và khẳng định “luôn hoan nghênh” đối thoại với Saudi Arabia.

Hai quốc gia cắt đứt quan hệ vào năm 2016 khi người biểu tình Iran tấn công phái đoàn ngoại giao Saudi Arabia sau sự kiện Riyadh hành quyết giáo sỹ dòng Shi’ite Sheikh Nimr al-Nimr.

Đối thoại Baghdad, sáng kiến do Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi thúc đẩy, vẫn “nằm trong bóng tối” tới tận khi tờ Financial Times ngày 18/4 đưa tin cho biết cuộc gặp đầu tiên đã diễn ra hôm 9/4.

Một quan chức Iraq đã xác nhận với AFP về các cuộc đối thoại trong khi một nhà ngoại giao phương Tây nói rằng ông đã được “thông báo trước” về nỗ lực “trung gian hòa giải… và hạ nhiệt căng thẳng."

Theo nhà nghiên cứu Adel Bakawan, Viện Nghiên cứu Trung Đông iReMMO, phái đoàn Saudi Arabia do Giám đốc Tình báo Khalid bin Ali al-Humaidan dẫn đầu, còn phái đoàn Iran có sự lãnh đạo của Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Ali Shamkhani.

Thông tin chi tiết về cuộc họp đầu tiên không có nhiều. Quan chức Iraq kể trên cho biết cuộc chiến Yemen là một nội dung gai góc và nổi bật trong chương trình nghị sự.

Chưa rõ các cuộc gặp đạt tiến triển gì, song nhà ngoại giao phương Tây cho rằng sẽ có thêm các cuộc hội đàm khác.

Tờ báo Liban thân Iran al-Akhbar cho biết một vòng đàm phán mới sẽ được tổ chức tại Baghdad trong tuần tới, sau “một diễn biến rất tích cực.”

Ngày 20/4, Đại sứ Iran tại Iraq Iraj Masjedi đã ca ngợi những nỗ lực ngoại giao gần đây của Baghdad, song tránh đề cập trực tiếp tới Saudi Arbia.

Chia sẻ với hãng thông tấn nhà nước IRNA trong một cuộc phỏng vấn ở Baghdad, ông Masjedi bình luận: “Bối cảnh khu vực và quốc tế đã tạo ra bầu không khí tích cực hơn cho việc giải quyết một số vấn đề giữa Iran và các quốc gia khác… Chúng tôi sẽ rất vui nếu Iraq có thể đóng bất kỳ vai trò nào trong việc đưa Iran xích lại gần những quốc gia mà mối quan hệ với chúng tôi tồn tại thách thức.”

Khi được hỏi liệu nỗ lực hòa giải của Iraq có mang lại thành quả hay không, ông cho biết các cuộc đàm phán chưa đạt được kết quả rõ ràng và các bên cũng chưa đạt được các tiến bộ đáng kể.

Sự thù địch giữa Saudi Arabia và Iran diễn ra trên nhiều mặt trận, chủ yếu là ở Yemen, Iraq và Liban, nơi Iran hậu thuẫn những lực lượng phiến quân lớn mạnh.

Theo AP, đột phá trong đàm phán giữa Riyadh và Tehran có thể sẽ tác động lớn đến các quốc gia này cũng như toàn khu vực nói chung.

Đối thoại Baghdad diễn ra cùng thời điểm với vòng đàm phán tại Vienna nhằm đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015 và thuyết phục Iran thực hiện các cam kết hạt nhân mà họ đã dừng thực thi để trả đũa đòn trừng phạt của Mỹ.

Nỗ lực hòa giải Riyadh và Iran cũng được thực hiện trong bối cảnh quan hệ Washington-Riyadh đã chuyển từ sự gần gũi dưới thời Trump sang lạnh nhạt do Tổng thống Biden muốn gây sức ép với Saudi Arabia về vấn đề nhân quyền.

Trong khi đó, Iraq, quốc gia nằm giữa Iran và Saudi Arabia, đang cố gắng trở thành trung gian hòa giải những căng thẳng nhằm tránh nguy cơ trở thành “bãi chiến trường” của hai cường quốc khu vực.

Hiện có khoảng 2.500 binh sỹ Mỹ đang đồn trú tại Iraq. Các lực lượng bán quân sự do Iran hậu thuẫn tại đây đã gây nhiều áp lực đối với chính phủ Mustafa al-Kadhimi yêu cầu trục xuất quân đội Mỹ.

Các lực lượng thân Iran chỉ trích Thủ tướng Kadhimi là “đầy tớ của Mỹ,” và thực hiện nhiều vụ phóng tên lửa nhằm vào quân đội cũng như các nhà ngoại giao phương Tây tại quốc gia này.

Việc đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán giữa Saudi Arabia và Iran là một bước tiến quan trọng đối với Iraq, quốc gia có quan hệ với cả Mỹ và Iran, và thường chịu gánh nặng từ sự thù địch Riyadh-Tehran.

Theo AP, một quan chức cấp cao của Iraq cho biết các chuyến công du gần đây của Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi tới Riyadh và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là chìa khóa quan trọng trong việc đưa các nhà đàm phán Iran và Saudi Arabia cùng ngồi lại.

Ngoài các nỗ lực vận động hành lang của Iraq, những thay đổi quan trọng khác từ nhiệm kỳ Tổng thống Biden đã mở đường cho các cuộc đàm phán.

Saudi Arabia đang tìm cách cải thiện quan hệ với chính quyền Biden, vốn khác với người tiền nhiệm khi chỉ trích hồ sơ nhân quyền của quốc gia này, đặc biệt là sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post bị sát hại năm 2018.

[Saudi Arabia và Iran đối thoại nhằm hàn gắn quan hệ sau 4 năm]

Randa Slim, Giám đốc Chương trình Đối thoại Giám sát II và Giải quyết Xung đột thuộc Viện Trung Đông, cho rằng Saudi Arabia cũng muốn kiểm tra "liệu người Iran có thể kiểm soát lực lượng Houthi hay không, và liệu họ có sẵn sàng dùng ảnh hưởng này hay không?” Ông bình luận: “Đó là phép thử về ý chí và lợi ích."

Trong khi đó, những thay đổi trong cách nhìn nhận của Iran đối với Iraq cũng đóng một vai trò nhất định.

Giới tình báo của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) về cơ bản thâu tóm Iraq nhờ quyền lực của Tướng Qassem Soleimani.

Tuy nhiên, việc quan chức này thiệt mạng trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ vào năm 2020 ở Baghdad vô hình chung đã khiến Bộ Tình báo Iran gia tăng ảnh hưởng hơn tại Iraq.

IRGC báo cáo trực tiếp cho Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei và giữ quan điểm cứng rắn.

Trong khi Bộ Tình báo báo cáo cho Tổng thống Iran Hassan Rouhani với lập trường tương đối ôn hòa.

Trên thực tế, bất chấp những hợp tác cần thiết, hai nhánh này có sự thù địch nhất định trong bộ máy thần quyền tại Iran.

Giới chức Iraq cho rằng sự thay đổi vị trí lãnh đạo IRGC cũng là yếu tố then chốt đưa Iran đến bàn đàm phán Baghdad.

Một quan chức Iraq nói: “Họ có một cái nhìn mới, một hướng đi mới, họ muốn một Iraq mạnh hơn… Trong khi IRGC lại tính toán khác, họ muốn điều ngược lại, một Iraq yếu hơn sẽ có lợi hơn cho họ."

Chính quyền Trump leo thang căng thẳng với Iran bằng cuộc không kích tại căn cứ của Iran tại Baghdad đầu năm ngoái, khiến Tướng Qassem Soleimani thiệt mạng.

Iraq thời điểm đó nằm dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Adel Abdel Mahdi, người đã đưa các phe phái thân Iran vào bộ máy quyền lực, trong khi người kế nhiệm Kadhimi được xem là gần gũi với Mỹ và Saudi Arabia hơn.

Ông Kadhemi là bạn của nhà lãnh đạo Saudi trên thực tế - Thái tử Mohammed bin Salman. Saudi Arabia đã cam kết đầu tư 3 tỷ USD cho Iraq, quốc gia vốn đang thiếu hạ tầng đường xá, các nhà máy điện-nước, trường học và bệnh viện.

Theo nhà phân tích Bakawan, trước khi Saudi Arabia và Iran có thể gạt đi các bất đồng, hai bên cần giải quyết một loạt các vấn đề hóc búa. Ưu tiên hàng đầu của Saudi Arabia là vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran và tình trạng “quân sự hóa” ở Trung Đông, đặc biệt tại Liban và Syria.

Còn đối với Tehran, mối quan tâm chính lại là cộng đồng người Shi’ite đang sinh sống tại Saudi Arabia và cáo buộc “Riyadh tài trợ bạo lực cực đoan tại những quốc gia có sự hiện diện của Iran.”

Sự nhạy cảm của vấn đề khiến hai bên đều phải giữ im lặng trước công luận về tiến trình đối thoại Baghdad hiện nay./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục