Tiếc cho ai biết, chưa về!

Hội Thổi cơm thi Thị Cấm: Tiếc cho ai biết, chưa về!

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều lễ hội, thì Hội Thổi cơm thi Thị Cấm thực sự là một không gian văn hóa náo nhiệt và đầy ý nghĩa.
Sáng ngày 8 tháng Giêng Âm lịch, Làng Thị Cấm (Từ Liêm-Hà Nội) đã tưng bừng lễ hội xuân nổi tiếng xưa nay. Đó là lễ hội làng nhưng được người nhiều nơi biết đến bởi có phần tổ chức “Thổi cơm thi” vẫn được nhắc đến mỗi dịp đầu xuân.

Mở hội nhớ người xưa

Đi từ nội thành Hà Nội qua cầu Diễn, đến Đình làng Thị Cấm. Làng thờ Đức thánh Phan Tây Nhạc, tương truyền là tướng của vua Hùng thứ 18. Tương truyền từ thời vua Hùng thứ 18, có đôi vợ chồng tướng tiên phong là Phan Tây Nhạc và Hoa Dung trẩy quân qua làng đi dẹp giặc. Dân làng xin đi theo, tướng quân bèn mở cuộc thi thổi cơm để chọn người nuôi quân giỏi.

Hội xuân đặc sắc này diễn ra dọc con đường lớn chạy ngang qua làng, dài hơn 1000m, từ tây sang đông ra đến bờ Sông Nhuệ. Trung tâm hội là khu vực đình bao gồm sân đình và các thửa đất trước đình.

Theo ông Bùi Thanh Liêm - thành viên Ban Tổ chức Lễ hội: “Từ 3 giờ chiều hôm qua (7 tháng Giêng), lễ tế nhập tịch đã diễn ra với sự tham gia của các cụ ông. Đây là việc mở đầu để 'xin phép Thánh.' Đến 8h sáng mùng 8 Tết này thì đến phần Lễ Dâng hương của các cụ bà. Đúng 11 giờ Lễ Thổi cơm thi bắt đầu.”

“Sau 1 giờ đồng hồ thi kéo lửa từ ống tre khô, giã gạo từ thóc, đi lấy nước, bắc bếp rồi đến xới cơm ra cúng Thánh là vừa đúng giờ Ngọ. Được tham gia lễ hội dân gian đặc biệt này là niềm vui của dân làng, của người Hà Nội và khách thập phương,” ông Liêm nhận định.
 
Ông Nguyễn Tiến Toản - Phó chủ tịch UBND xã Xuân Phương, cho biết đối tượng tham gia hội thổi cơm thi là bốn giáp trong làng. Đó là các Giáp Nhất, Nhị, Đông, Đoài xưa.

Những người được chọn chạy đi lấy nước là thanh niên có sức khoẻ phải thường xuyên rèn luyện đôi chân chạy sao cho nhanh để được giải. Những người làm việc kéo lửa vừa có sức khoẻ vừa có mưu trí nhanh nhẹn.

“Tiếp đến, những người giã thóc, giần, sàng, nấu cơm thường phải nhanh nhẹn khéo tay và phải chuẩn bị thóc, rơm từ vụ mùa, phải chọn các loại thóc tốt, nấu cơm dẻo thơm, chóng chín để đoạt giải, đồng thời để cúng Thánh đảm bảo sự tôn kính” - ông Toản nói.

Náo nhiệt, rộn ràng cả một không gian văn hóa


Cuộc thi năm Tân Mão này do bà Nguyễn Thị Hòa làm trưởng Ban tổ chức. Theo lệ, cứ Trưởng thôn Thị Cấm thì sẽ được làm Trưởng Ban tổ chức Hội làng hằng năm. Bà Hòa cho biết: “Thi lấy nước là việc rất hứng thú. Mỗi đội cử một người chạy lấy nước từ bờ Sông Nhuệ với đoạn đường dài gần cây số.”

Theo lệ niêm yết ở đình làng, ai lấy được be nước trở về nơi xuất phát trước tiên thì người đó được giải nhất về công đoạn chạy (cũng có nghĩa là cả giáp của người ấy được giải nhất).Trong các giáp lại chọn ra xóm nào được tham dự vào chính hội qua tuyển chọn, bình chọn từ vòng thi… cơ sở.

Theo tìm hiểu của phóng viên chúng tôi thì lấy nước sông là theo truyền thống, còn về đến nơi đã có sẵn nước sạch để nấu cơm. Thế nên, chờ nước về về rất náo nhiệt. Vì nước về là điều kiện để được đổ nước thực nấu. Năm Tân Mão này, nhất về chạy thi lấy nước là xóm Ngòi. Thú vị nhất là người chạy lấy nước sông Nhuệ về còn có cả đám dân làng chạy theo cổ vũ. Tiếng hò la rất vui.

Tiếp đến là thi kéo lửa,  mỗi giáp cử hai người kéo lửa. Giáp nào kéo được lửa trước thì được giải nhất về công đoạn kéo lửa. Công đoạn này có thể là diễn tả lại nỗi vất vả của người xưa trong việc tìm lửa thô sơ trước đây. Mài mãi ống tre khô để ra lửa rồi châm vào rơm… trong tiếng trống chiêng giục giã cũng thật căng thẳng và hồi hộp. Nhiều người xem hội thú quá nhưng vẫn thốt lên: “Lấy bật lửa xòe một cái có phải xong ngay không!”

Thi thổi cơm ở Thị Cấm có ba công đoạn “liên hoàn” như giã thóc, sàng thóc lấy gạo và thổi cơm. Tiêu chuẩn đạt giải là cơm chín dẻo và trắng ngon. Việc tham dự đã là vui, việc giành được giải hay không chưa phải là quan trọng nhất. Theo tình hình chung, đã thi thì cơm đều ngon. Ban tổ chức và đại biểu được mời làm giám khảo sẽ tìm cơm ngon nhất. Vì các “đội tuyển” được rèn luyện và thử thách kỹ càng.

Kết thúc hội thi Xuân Tân Mão này, Trưởng ban tổ chức công bố Giải Nhất về kéo lửa và cơm ngon là xóm Đình (còn gọi là xóm Đông Triều). Điều hay là các đội thua cũng tưng bừng chứ không buồn phiền, chán nản gì.

Cả một ngôi đình và xung quanh rộn ràng náo nhiệt đến gần 13giờ ngày mùng 8 tháng Giêng. Ai ai cũng vui trong một không gian văn hóa! Một hội xuân đầy ý nghĩa.

Anh Lâm - khách từ phố Hàng Bông đưa vợ con về Thị Cấm dự hội thốt lên khi Hội thi kết thúc: “Không biết thì thôi, nếu ai biết Hội này mà không về thì đáng tiếc!”/.


Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục