Tiềm ẩn nguy cơ dịch HIV một số xã ở Tây Bắc do tỷ lệ xét nghiệm thấp

Mặc dù tỷ lệ nhiễm HIV tại khu vực Tây Bắc đã giảm đáng kể nhưng nguy cơ lây lan HIV vẫn tiềm ẩn, thậm chí một số địa bàn có nguy cơ dịch HIV toàn thể đòi hỏi cần phải đẩy mạnh tư vấn, xét nhiệm HIV
Tiềm ẩn nguy cơ dịch HIV một số xã ở Tây Bắc do tỷ lệ xét nghiệm thấp ảnh 1Lấy mẫu máu xét nghiệm HIV/AIDS. (Ảnh minh hoạ: Dương Ngọc/TTXVN)

Trong nhiều năm qua, khu vực Tây Bắc luôn là điểm nóng về dịch HIV/AIDS. Mặc dù tỷ lệ nhiễm HIV đã giảm đáng kể trong 5 năm qua nhưng nguy cơ lây lan HIV vẫn tiềm ẩn, thậm chí ở một số nơi, tất các các xã/phường, huyện/thị trấn đều có người nhiễm HIV (dịch HIV toàn thể). Do đó, công tác tư vấn, xét nghiệm phát hiện HIV và các hoạt động giảm hại cần phải được triển khai quyết liệt để tránh nguy cơ lây lan rộng, gia tăng số lượng người nhiễm HIV trong thời gian tới.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị phòng, chống HIV/AIDS vùng Tây Bắc do Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Y tế và Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức ngày 27/5 tại Sơn La.

Theo số liệu thống kê cuối năm 2015, khu vực Tây Bắc có khoảng 14,6 triệu người sinh sống, chiếm khoảng 16% dân số của cả nước nhưng có tới khoảng 38.000 người nhiễm HIV còn sống, chiếm khoảng 20% tổng số bệnh nhân HIV còn sống của cả nước. Số người tử vong do AIDS ở vùng Tây Bắc cũng chiếm khoảng 25% số ca tử vong do AIDS trên cả nước (khoảng 21.000 người).

Hiện nay, khu vực Tây Bắc có khoảng 60.000 người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Mỗi năm khu vực Tây Bắc vẫn có khoảng 3.000 người nhiễm HIV mới và khoảng 500-800 người tử vong do HIV/AIDS. Đặc biệt, một số địa bàn có nguy cơ dịch HIV toàn thể.

Mặc dù nguy cơ dịch cao nhưng việc tư vấn, xét nghiệm HIV ở khu vực Tây Bắc còn thấp, tỷ lệ người nghiện chích ma tuý được xét nghiệm HIV trong vòng 12 tháng qua rất thấp, chỉ khoảng 26%, tỷ lệ phát hiện HIV chỉ đạt 61%.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, HIV/AIDS là một trong những gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực Tây Bắc. Ước tính tỷ lệ mắc HIV tại khu vực này cao gấp 1,5 lần so với của cả nước. Đường lây truyền HIV chủ yếu là sử dụng chung kim tiêm khi tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn ở ba nhóm đối tượng nguy cơ cao là người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và gần đây là vợ, bạn tình của người nhiễm HIV.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên nhân của việc tỷ lệ nhiễm HIV tại khu vực này cao là do nhận thức của người dân về HIV/AIDS vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, khó khăn về địa lý và sự bất đồng về ngôn ngữ văn hóa, phong tục tập quán là rào cản lớn ảnh hưởng đến công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS.

“Sự thiếu hụt về nhân lực và kinh phí eo hẹp đã cản trở việc mở rộng chương trình can thiệp giảm tác hại, chăm sóc hỗ trợ điều trị HIV/AIDS tại tuyến xã. Điều này làm cho người dân vùng sâu vùng xa gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AID,” ông Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất phải đẩy mạnh triển khai tư vấn xét nghiệm HIV không chuyên tại cộng đồng để giảm thiểu các nguy cơ lây lan HIV. Đặc biệt trong bối cảnh các hoạt động can thiệp giảm hại hiện nay chủ yếu do các tổ chức quốc tế hỗ trợ, việc cắt giảm viện trợ bắt đầu từ năm 2017 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt can thiệp giảm hại.

Vì vậy, các địa phương phải thực hiện thật tốt các dự án, chương trình giảm hại đang triển khai và tiến tới xây dựng kế hoạch huy động ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, bảo hiểm y tế, xã hội hoá vào thực hiện các chương trình phòng chống HIV/AIDS bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục