"Tiêm chủng thường xuyên sẽ là biện pháp phòng bệnh bình thường mới"

Chuyên gia y tế Hong Kong nhận định, trong trường hợp cần thiết, người dân có thể sẽ phải tiêm vaccine COVID-19 nhắc lại thường xuyên mỗi năm để củng cố "lá chắn" phòng bệnh này.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac cho người dân tại Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Sinovac cho người dân tại Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh biến thể Delta tiếp tục là mối đe dọa đáng kể đối với thế giới, việc tiêm chủng ngừa COVID-19 một cách thường xuyên có thể sẽ trở thành một biện pháp phòng bệnh "bình thường mới" - đó là nhận định của chuyên gia y tế David Hui Shu-cheong, cố vấn cho chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) - được The Standard Channel đăng tải ngày 28/10.

Theo ông David Hui Shu-cheong, nhiều quốc gia trên thế giới sẽ sớm triển khai liều tiêm tăng cường vaccine ngừa COVID-19 để bảo vệ người dân trước sự lây lan của biến thể Delta.

Chuyên gia này cho biết trong trường hợp cần thiết, người dân có thể sẽ phải tiêm nhắc lại thường xuyên mỗi năm, để củng cố "lá chắn" phòng bệnh này.

Nếu các nhà khoa học phát triển thành công các phiên bản mới của vaccine ngừa COVID-19 nhắm mục tiêu cụ thể là biến thể Delta, thì thời gian để thực hiện mũi tiêm nhắc lại có thể kéo dài hơn.

Mặc dù vậy, chuyên gia David Hui Shu-cheong cũng cho biết do tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi vẫn còn thấp, các biện pháp hạn chế xã hội có thể sẽ không được nới lỏng ngay cả khi chính quyền triển khai liều tiêm tăng cường cho người dân.

[Singapore ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước đến nay]

Trước đó, các chuyên gia khoa học khác tại Hong Kong cũng đã khuyến cáo rằng những người có khả năng miễn dịch yếu và những người có nguy cơ lây nhiễm cao nên tiêm liều tăng cường của vaccine ngừa COVID-19.

Những người đã tiêm vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) có thể tiêm nhắc lại với vaccine của Pfizer/BioNTech, để tạo ra mức kháng thể cao hơn.

Các bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu, bao gồm bệnh nhân ung thư, bệnh nhân HIV/AIDS và những người đã trải qua cấy ghép nội tạng, có thể tiêm liều tăng cường ít nhất 4 tuần sau khi thực hiện mũi tiêm trước đó.

Những người trên 60 tuổi và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao - bao gồm nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại sân bay và khách sạn sử dụng làm địa điểm cách ly, cùng tài xế xe tải xuyên biên giới - có thể được tiêm nhắc lại 6 tháng sau mũi tiêm thứ 2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục