Tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hong Kong

Năm 2021 và 9 tháng năm 2022, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hong Kong và thứ 2 trong các thành viên ASEAN, còn Hong Kong là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ năm tại Việt Nam.
Tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hong Kong ảnh 1Bà Vũ Thị Thúy - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hong Kong giới thiệu cho khách tham quan sản phẩm của Việt Nam. (Ảnh: Mạc Luyện/TTXVN)

Việt Nam và Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) có quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư bền vững và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Hong Kong, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hong Kong Vũ Thị Thúy cho biết hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư hai bên thời gian qua đã ghi nhận những kết quả tốt đẹp.

Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại toàn cầu, trao đổi thương mại song phương vẫn tăng trưởng khả quan.

[Hong Kong là thị trường nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam]

Cụ thể, theo số liệu của Cục Thống kê và Điều tra Hong Kong, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên đạt 28,5 tỷ USD, tăng 19,3% và trong 9 tháng tính từ đầu năm nay đạt 25,2 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nhiều năm liền, Việt Nam luôn đứng trong tốp 10 đối tác thương mại lớn nhất của Hong Kong.

Năm 2021 và 9 tháng năm 2022, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Hong Kong và thứ hai trong các thành viên ASEAN.

Về quan hệ hợp tác đầu tư, tính đến tháng 10/2022, Hong Kong là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ năm tại Việt Nam, với 2.133 dự án và tổng mức đầu tư đạt 28,9 tỷ USD.

Thương vụ Việt Nam tại Hong Kong đã phát huy vai trò cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương thông qua nhiều hình thức: phối hợp tổ chức các hội thảo nhằm cập nhật, phổ biến thông tin và tư vấn về thị trường tới các doanh nghiệp trong nước.

Thương vụ quảng bá các sản phẩm xuất khẩu và môi trường đầu tư của Việt Nam trong các kỳ hội chợ, hội thảo, hoạt động đối ngoại tại địa bàn; thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với các thương hội, hiệp hội doanh nghiệp uy tín tại Hong Kong để tư vấn về nhu cầu đầu tư và xúc tiến thương mại với Việt Nam; hỗ trợ và tư vấn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hai bên trong phát sinh tranh chấp thương mại...

Thương vụ cũng chú trọng hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Hong Kong có hoạt động nhập khẩu, phân phối hàng hóa Việt Nam với các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, đặc biệt nhóm hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng chất lượng cao để thương hiệu Việt Nam từng bước mở rộng và xâm nhập thành công tại thị trường.

Theo bà Vũ Thị Thúy, tăng trưởng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư thời gian qua cho thấy quan hệ hợp tác hai bên có tính gắn kết và còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển.

Tại Hong Kong, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt Nam xuất phát từ hai lý do chính là chuyển khẩu (Hong Kong là trung tâm tài chính thứ ba và thị trường trung gian xuất khẩu đứng thứ chín toàn cầu) và tiêu dùng nội địa.

Hàng hóa của Việt Nam có nhiều thế mạnh khi xâm nhập thị trường này do điều kiện địa lý gần gũi, thuận tiện vận chuyển hàng hóa bằng cả đường biển và đường hàng không; tính tương đồng trong phong tục tập quán và thị hiếu tiêu dùng, cùng với nền tảng Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hong Kong, Trung Quốc đã có hiệu lực với Việt Nam và Hong Kong từ ngày 11/6/2019.

Bà Vũ Thị Thúy chia sẻ thị trường Hong Kong có nhu cầu nhập khẩu hằng năm tới trên 90% các sản phẩm lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng để phục vụ nhu cầu nội địa cho dân số gần 7,3 triệu người, đây cũng là những sản phẩm Việt Nam có thể mạnh sản xuất và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Hong Kong.

Vị trí địa lý gần gũi và vận chuyển hàng hóa thuận tiện, thời gian vận chuyển ngắn (khoảng 2 giờ bằng đường hàng không và 3 ngày bằng đường biển) giúp đảm bảo chất lượng hàng hóa của Việt Nam khi vào Hong Kong, đặc biệt là nhóm hàng nông, lâm, thủy hải sản.

Mặt khác, thị trường Hong Kong không áp dụng thuế hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (chỉ áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với 4 loại hàng hóa là rượu uống, thuốc lá, xăng dầu và rượu metylic), đồng thời do không tự sản xuất hàng nông, lâm, thủy hải sản mà hầu hết phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu nên Hong Kong không đặt ra các rào cản thương mại, các biện pháp bảo hộ thương mại.

Bên cạnh những thuận lợi kể trên, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp một số khó khăn, thách thức.

Với GDP bình quân đầu người khoảng 47.000 USD, đa số người tiêu dùng Hong Kong có mức thu nhập khá cao. Điều này đồng nghĩa nhu cầu tiêu dùng với những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng nâng cao chất lượng và cải tiến mẫu mã để đảm bảo đáp ứng nhu cầu và tăng sức cạnh tranh đối với các nguồn xuất khẩu khác.

Hong Kong áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao về vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản nhập khẩu để đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Hong Kong đã thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức trực tuyến (hội chợ trực tuyến, gian hàng điện tử) và đẩy mạnh trao đổi hàng hóa thông qua hình thức thương mại điện tử.

Tuy nhiên, khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đối với các hình thức kể trên còn nhiều hạn chế và chưa tận dụng hết các kênh xúc tiến trao đổi thương mại này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục