Tiềm năng xuất khẩu đặc sản cá tầm của Bình Thuận

Cá tầm Bình Thuận đang trên đường xuất khẩu ra nhiều thị trường trên thế giới và đặc biệt là nước Nga, cái "nôi" sản sinh loài cá này.
Đến nay vẫn còn nhiều khách nước ngoài không khỏi ngỡ ngàng khi biết Bình Thuận có món đặc sản cá tầm… Chưa dừng lại ở đó, cá tầm Bình Thuận đang trên đường xuất khẩu ra thị trường thế giới và đặc biệt là thị trường Nga, nơi được biết như là cái “nôi” sản sinh ra con cá tầm trên thế giới.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tầm Long Đa Mi cho biết Công ty cổ phần Tầm Long Đa Mi (một trong những thành viên của Tập đoàn Cá tầm Việt Nam) đã mang giống cá tầm từ Nga về nuôi thử nghiệm thành công tại hồ Đa Mi (thuộc địa phận huyện Tánh Linh và huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận). Bình Thuận trở thành một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam nuôi thành công loại cá này.

Theo ông Tuấn, thời gian đầu cá tầm chỉ nuôi ở Đa Mi vài lồng thử nghiệm, nhưng qua một thời gian thử nghiệm thành công cá phát triển tốt, nên hiện nay Công ty cổ phần Tầm Long đã có hơn 400 lồng bè với sản lượng hàng năm trên 150 tấn cá thương phẩm. Ngoài ra còn một lượng lớn cá tầm nuôi lấy trứng xuất khẩu, ước trị giá cá tầm thương phẩm và cá tầm nuôi lấy trứng hơn 10 triệu USD.

Anh Đinh Trọng Hải, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty cổ phần Tầm Long Đa Mi cho biết: nuôi cá Tầm không khó như các loài cá khác vì cá tầm sống trong môi trường nước lạnh nên rất khỏe, ít bị dịch bệnh. Thức ăn chủ yếu là các loại cá nhỏ nên rất dễ chăm sóc. Cá tầm lớn rất nhanh, nuôi sau từ 6 đến chín tháng cá đạt trọng lượng từ 2,5 đến 3kg/con. Hiện tại, Công ty chỉ đủ sản lượng xuất bán trong nước nên giá thành vẫn còn thấp. Về lâu dài, công ty sẽ đầu tư khoảng 1.000 lồng trên diện tích 600ha mặt nước của lòng hồ Đa Mi để nuôi cá tầm xuất khẩu sang các nước trên thế giới.

Theo các chuyên gia, để nuôi cá tầm có hiệu quả phải đảm bảo các yếu tố về nhiệt độ của nước (khoảng 18 độ C), môi trường nước sạch và có dòng chảy thích hợp... Qua nghiên cứu khảo sát thì hồ Đa Mi tại Bình Thuận được đánh giá là địa điểm lý tưởng nhất để nuôi cá tầm tại Việt Nam. Thịt cá tầm nuôi tại hồ Đa Mi có chất lượng không khác biệt với cá tầm sống thiên nhiên ở nước Nga. Hiện nay, Công ty xây dựng một tổ hợp khép kín từ nuôi trồng đến chế biến và xuất khẩu trứng cá tầm và các sản phẩm thịt cá.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, hầu hết cá thương phẩm đều được tiêu thụ trong nước, dạng sống. Phương thức này chỉ có thể áp dụng cho những quy mô nhỏ như hiện nay. Đến khi sản lượng tăng cao và vươn ra thị trường xuất khẩu thì vấn đề chế biến sau thu hoạch là hết sức quan trọng, vì các sản phẩm chế biến từ các loại cá này có giá trị hơn so với cá tươi sống trên thị trường xuất khẩu. Và việc xây dựng thương hiệu cũng cần phải có kế hoạch triển khai./.

Nguyễn Thanh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục