Tiền ảo, hệ lụy thật: Cơ sở pháp lý nào cho tiền ảo?

Theo các chuyên gia, việc chậm ban hành khung pháp lý để quản lý tiền ảo sẽ càng làm gia tăng nguy cơ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong thời gian tới.
Tiền ảo, hệ lụy thật: Cơ sở pháp lý nào cho tiền ảo? ảnh 1Đồng tiền kỹ thuật số bitcoin. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với sự “hấp dẫn” về mức “siêu” lợi nhuận, hình thức đầu tư vào tiền ảo ngày càng được nhiều người tham gia, tuy nhiên hệ lụy như đã đề cập ở bài "Tiền ảo, hệ lụy thật: Đầu tư ảo, mất tiền thật" cũng tăng theo cấp số nhân.

Theo các chuyên gia, việc chậm ban hành khung pháp lý để quản lý tiền ảo sẽ càng làm gia tăng nguy cơ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong thời gian tới.

Hành lang pháp lý hiện ra sao?

Xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam với các loại tiền ảo như Bitcoin, Pi Network, Ripple, Bitcoin Cash, Litecoin… cộng đồng những người tham gia đầu tư tiền ảo đang ngày càng nhiều và mức giao dịch ngày càng tăng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng như chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết các hoạt động mua bán, trao đổi các đồng tiền ảo do một số cá nhân tại Việt Nam thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế như Binance, Coinbase Okex, Houbi, Bittrex, Remitano, Santienao, Kenniex... hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Các giao dịch tiền ảo chủ yếu là mua đi, bán lại trên sàn giao dịch tiền ảo nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Ngay từ năm 2014 cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ đối với các hoạt động, giao dịch liên quan các loại tiền ảo.

Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh theo các quy định pháp luật hiện hành, tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần thận trọng, không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tiền ảo không phải đồng tiền pháp định, nó là loại tài sản ảo được mã hóa. Đây là sản phẩm hiện đại của sự phát triển công nghệ, không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam.

[Tiền ảo, hệ lụy thật - Bài 4: "Lái" dòng chảy tiền ảo theo hướng nào]

Bộ Tài chính cũng đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp.

Bộ Tài chính cho biết trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thường xuyên phối hợp với các cơ quan công an về các vụ việc liên quan đến các sàn giao dịch, tiền ảo, chứng khoán có tính chất tương tự đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và đang có xu hướng diễn ra thường xuyên hơn như Sàn giao dịch Rforex (tại trang web www.rforex.com) ở quận Ba Đình, thành phố Hà Nội; Sàn giao dịch Emrfx (www.emrfx.com) tại tỉnh Nghệ An...

Theo Bộ Tài chính, hiện tại, chỉ có Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Theo pháp luật chứng khoán, tiền ảo không phải là một loại chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào tiền ảo, tài sản ảo để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra và đề nghị các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới tiền ảo trái pháp luật.

Còn tại Điều 105 Bộ luật Dân sự quy định tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; bao gồm cả bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Đối chiếu với quy định trên, tiền ảo không được coi là tài sản vì nó không thuộc bất kỳ loại nào trong bốn loại nêu trên.

Như vậy, có thể thấy, tiền ảo không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam và chưa được pháp luật thừa nhận. Do đó, việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật hiện hành.

Lấp khoảng trống pháp lý

Thực tế thời gian qua cho thấy, đã có hàng loạt sàn giao dịch đầu tư tài chính lần lượt biến mất khiến hàng trăm người chơi mất tiền tỷ. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần phải có một cơ sở pháp lý rõ ràng đầy đủ, điều chỉnh đối với tiền ảo.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nếu người dân tham gia vào mua bán tiền ảo trên mạng sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, nếu không may gặp rủi ro hoặc xảy ra tranh chấp, người chơi sẽ không được pháp luật bảo vệ. Đặc biệt, việc giao dịch tiền ảo có thể dẫn tới tình trạng thất thu ngân sách, chảy máu ngoại tệ, hoặc rửa tiền xuyên biên giới.

Tuy nhiên, ngay cả khi các chuyên gia kinh tế và cơ quan chức năng đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro của kênh đầu tư này người chơi vẫn lao vào cuộc chơi đầy mạo hiểm bởi những chiêu thức kêu gọi đầu tư siêu lợi nhuận.

Tiền ảo, hệ lụy thật: Cơ sở pháp lý nào cho tiền ảo? ảnh 2Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAWS, đang có khoảng trống pháp lý rất lớn. Hiện mới chỉ có Ngân hàng Nhà nước ra văn bản khẳng định tiền kỹ thuật số không phải là công cụ thanh toán được chấp nhận tại Việt Nam và Bộ Công an khuyến cáo rủi ro với người dân khi đầu tư vào tiền ảo. Vì vậy, xảy ra tình trạng khi nhà đầu tư bỏ tiền vào loại tài sản này thì cũng không có quy định cấm hay hướng dẫn, thừa nhận đó có phải tài sản hay không. Chính vì vậy, để xử lý cũng rất khó khăn.

Hiện tại, cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đang phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo để làm rõ vấn đề quản lý, cơ sở pháp lý để quản lý việc kinh doanh tiền ảo.

Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo và bước đầu triển khai nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ về cơ chế quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo trong chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng tới cân bằng giữa mục tiêu sáng tạo, tăng trưởng kinh tế với mục tiêu đảm bảo an toàn, an ninh cho thị trường tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như các thành viên khác tham gia thị trường.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tài sản ảo, tiền ảo, đồng thời tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo chưa được pháp luật quy định.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết hàng năm đều chỉ đạo các tổ chức tín dụng các trung gian thanh toán thường xuyên cảnh báo cho người sử dụng và tất cả những giao dịch thông qua các ngân hàng được phép, các tổ chức trung gian thanh toán được phép một cách công khai.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng các cơ quan quản lý sớm tiếp cận nghiên cứu, tạo hành lang pháp lý cho các loại tiền chính thống, mô hình kinh doanh trong môi trường tài chính điện tử mới như các ví điện tử, fintech (tài chính công nghệ).... Đồng thời, phối hợp hoàn thiện cơ sở dữ liệu định danh toàn quốc để tạo hệ sinh thái; chú trọng nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, an ninh mạng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các tổ chức tài chính...

Đối với nhà đầu tư, Tiến sỹ Cấn Văn Lực khuyến cáo cần tỉnh táo, tránh tâm lý "bầy đàn," phong trào, đua nhau bỏ tiền vào chỗ mình không có kiến thức gì và đặc biệt không nên đầu tư quá nhiều vào kênh này bởi mức độ biến động rất lớn kéo theo rủi ro cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục