Tiến hành đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn

Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần tiến hành đồng bộ những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Bên lề các phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, phóng viên TTXVN đã ghi lại những ý kiến tâm huyết của các đại biểu.

Bảo đảm các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn


Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận đã phản ánh trung thực ý kiến của cử tri cả nước thông qua cái nhìn nhiều chiều, vừa ở tầm vĩ mô vừa sát với thực tiễn tình hình kinh tế-xã hội đất nước. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị với Chính phủ, Nhà nước nhiều vấn đề cần phải được tháo gỡ, xử lý ở tầm ngắn hạn và đặt trong tầm dài hạn.

Cho rằng với tốc độ huy động tín dụng cao hơn dư nợ cho vay, nghĩa là dư cung về tín dụng nhưng lãi suất vẫn ở mức như hiện nay là không hợp lý, đại biểu Bùi Đức Thụ đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng để điều hành chính sách tín dụng phù hợp với thực tiễn, phù hợp với cung cầu về tín dụng hiện nay; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, ách tắc, bảo đảm cho các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo đại biểu, một trong những công cụ để điều hành chính sách tiền tệ được quy định trong Luật các tổ chức tín dụng là công cụ lãi suất. Với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, trong chín tháng đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm liên tục. Tuy nhiên, với mức lãi suất hiện nay, trong điều kiện dư cung về tín dụng là vẫn chưa hợp lý.

Đại biểu đề nghị cần xem xét điều hành giảm lãi suất tín dụng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng để tái sản xuất. Đề cập vấn đề cạnh tranh lãi suất, đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng muốn có thị trường tiền tệ, cần thiết có sự cạnh tranh. Tuy nhiên, cạnh tranh phải theo luật, đảm bảo trần lãi suất huy động. Việc các doanh nghiệp lách luật hoặc bằng mọi cách nâng cao trần huy động đã phản ánh chính “sức khỏe” của ngân hàng đó vì các ngân hàng yếu kém, thanh khoản kém mới buộc phải huy động bằng mọi giá. Do đó, Ngân hàng Nhà nước phải quản lý chặt chẽ hơn đối với việc chấp hành các quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng như của Chính phủ. Mặt khác, thông qua việc này, có giải pháp để lành mạnh hóa hoạt động của tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng yếu kém, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, không để ảnh hưởng đến hệ thống của các tổ chức tín dụng và gây rủi ro cho nền kinh tế.

Liên quan đến vấn đề quản lý thị trường vàng, đại biểu Bùi Đức Thụ đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan tổng kết việc thi hành Nghị định 24 để trên cơ sở đó, đề xuất sớm sửa đổi Nghị định này, đảm bảo thị trường vàng thực sự lành mạnh, phản ánh đúng giá trị thực và góp phần vào việc huy động vốn cho phát triển kinh tế.

Giải quyết nợ xấu bằng những biện pháp đồng bộ


Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) nhận định trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm ngày càng sâu, khả năng khắc phục những tồn tại khuyết điểm trong năm 2012 và những năm trước để lại không phải là nhanh. Những vấn đề thuộc về lâu dài để bảo đảm tính ổn định, bền vững mới đang được triển khai. Những chỉ tiêu năm 2013 đòi hỏi một hệ thống giải pháp tương đối cụ thể, có hiệu quả.

Ngoài những giải pháp mang tính định hướng của Chính phủ, theo đại biểu cần tập trung vào 3 vấn đề, vừa là nguyên nhân vừa là tồn tại của việc điều hành quản lý việc thực hiện kế hoạch năm 2013: Thứ nhất là phải có một hệ thống để đánh giá thực trạng, kiểm soát được tình hình một cách chính xác trên cơ sở những thông tin đáng tin cậy, trên cơ sở trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan cung cấp số liệu, đưa ra thông tin để thống nhất phản ánh được thực trạng của nền kinh tế và những vấn đề người dân quan tâm. Thứ hai, cần có hệ thống chính sách cụ thể, phù hợp vừa mang tính chất tình thế, vừa mang tính lâu dài. Thứ ba, trên cơ sở kết quả bước đầu của việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ở các cấp, để xây dựng lộ trình sửa những khuyết điểm một cách mạnh mẽ trong lãnh đạo, giám sát kinh tế, xã hội..., tạo ý thức thực hiện, đặc biệt là lòng tin. Đây là 3 vấn đề cấp bách cần thực hiện trong năm 2013, đồng thời tạo được những yếu tố cho sự phát triển của những năm tiếp theo tốt hơn, bền vững hơn.

Đề cập tình trạng đầu tư tràn lan, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng có 3 nguyên nhân. Thứ nhất là do khiếm khuyết trong quy hoạch, kế hoạch; thứ hai là cơ chế kiểm soát, quản lý để đảm bảo tính hiệu quả của đầu tư chưa được chặt chẽ; thứ ba là cách phân cấp cho các địa phương và cách duyệt dự án hiện nay theo kiểu "xin-cho," không có phân kỳ, lộ trình. Do đó, những yếu tố dẫn đến dàn trải, lãng phí, không hiệu quả không được phát hiện ngay, việc uốn nắn những khiếm khuyết cũng không được thường xuyên. Đây là những nguyên nhân quan trọng khiến đầu tư rất dàn trải, thiếu hiệu quả.

Liên quan đến vấn đề tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Kiêm cho rằng phải dựa trên quy hoạch, kế hoạch phát triển từng thời kỳ để có cơ sở sắp xếp; mặt khác, căn cứ vào tổng kết thực tiễn vừa qua và có hệ thống luật pháp để khống chế, quản lý trên cơ sở thống nhất và tạo động lực; kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý thường xuyên, kịp thời với chế tài hợp lý. Có như vậy, mới giải quyết được hiệu quả và bảo đảm tính bền vững.

Đề cập về thực trạng nợ xấu, đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng muốn xử lý, phải biết được nợ xấu đang ở đâu và đến mức độ nào. Số báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chỉ là một phần, ngoài ra còn nợ đọng trong xây dựng cơ bản; nợ xấu biểu hiện trong ngân hàng phát triển; nợ xấu của ngân hàng có cho vay chéo và cho vay sân sau; nợ xấu do thiên tai, dịch bệnh, bất khả kháng trong điều hành, do tác động của thị trường thế giới...

Việc thành lập công ty mua bán nợ phải giải quyết tất cả các yếu tố, trong đó có hỗ trợ vốn của nhà nước, huy động vốn nước ngoài, có sự tham gia của các ngân hàng thương mại. Tất cả những yếu tố này phải được chỉ đạo theo một hệ thống thống nhất, đánh giá cụ thể và có lộ trình thích hợp. Nếu chỉ đưa ra chủ trương, không có giải pháp cụ thể, không có lộ trình thích hợp, khả năng giải quyết sẽ rất khó và rất chậm.

Đại biểu cho biết hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ phương án giải quyết công ty mua bán nợ này theo hướng đã đề xuất. Ông khẳng định: Chắc chắn, nếu giải quyết đồng bộ những vấn đề này, nợ xấu sẽ giảm và khả năng giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn cũng như khả năng ngân hàng giải quyết đầu ra về cho vay cũng thông thoát hơn.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong đầu tư công


Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) hy vọng thời gian tới việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong đầu tư công sẽ làm nền tảng giúp kinh tế phát triển bền vững hơn. Theo đại biểu, cần lưu ý rằng, không phải đầu tư công nào cũng lãng phí. Nhiều công trình đầu tư công đã hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế phát triển, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất cần hướng đến hiện nay là đánh giá những tiêu chí cụ thể cho các dự án để tập trung nguồn vốn, xử lý dứt điểm từng dự án.

Để quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại thành công, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng cần giải quyết “điểm nghẽn” nợ xấu và hàng tồn kho. Cần tập trung trí tuệ và nguồn lực tài chính nhất định để xử lý dứt điểm nợ xấu nhưng không có nghĩa phải giải quyết triệt để mà tách ra khỏi “cơ thể” nền kinh tế và có sự giám sát riêng, tạo lưu thông dễ dàng hơn và để các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp hơn.

Đối với tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, theo đại biểu, quan trọng là sắp xếp và đánh giá hiệu quả, phân loại các nhóm loại hình doanh nghiệp, chức năng ngành nghề để xem xét giữ lại 100% vốn đối với lĩnh vực cần thiết, cấp bách, mang tính chất dẫn dắt, chủ đạo.

Mở rộng hơn chính sách tài khóa, tăng chi đầu tư phát triển

Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) chia sẻ hiện nay, thu ngân sách chung của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do kế hoạch tăng trưởng kinh tế năm 2012 thực hiện được rất thấp (khoảng 5,2%), dự kiến năm 2013 tăng trưởng kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng không cao như kế hoạch, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, nguồn thu khó khăn, làm ảnh hưởng đến việc chi ngân sách.

Theo đại biểu, chi đầu tư phát triển là một yếu tố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hay nói cách khác, là một yếu tố để "nuôi" nguồn thu, góp phần bảo đảm thu ngân sách tốt. Tuy nhiên, theo kế hoạch năm 2013, chi đầu tư phát triển vẫn còn thấp, phải cố gắng mới đưa được lên mức độ cân đối, gần tương đương với năm 2012.

Bên cạnh đó, hiện nay, tổng cầu cũng rất thấp, là một trong những yếu tố của tăng trưởng kinh tế thấp. Vì vậy, cần đưa ra những biện pháp để tăng cầu lên, trong đó có cầu đầu tư, cầu tiêu dùng. Để giải quyết bài toán khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, cần có các biện pháp để tăng tổng cầu lên.

Đại biểu Vũ Viết Ngoạn cho rằng một trong các giải pháp để tăng tổng cầu lên là mở rộng hơn chính sách tài khóa, tăng chi đầu tư phát triển. Bên cạnh việc tái cơ cấu doanh nghiệp để việc sử dụng vốn của nhà nước hiệu quả hơn cần xem xét mở rộng chính sách tài khóa trong phạm vi có thể để tăng tổng cầu của nền kinh tế lên. Chính phủ có biện pháp sẽ phát hành trái phiếu công trình, tập trung vào những công trình có khả năng triển khai nhanh, có tác động tích cực đến quốc kế dân sinh, mang lại hiệu ứng lan tỏa nhanh, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Cách thức này sẽ giải quyết được hai vấn đề mâu thuẫn trên./.

Thanh Hòa-Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục