“Tiền rừng xanh” giúp dân bản chặn đường lâm tặc

Mặc dù mới triển khai thí điểm, nhưng mô hình “đồng quản lý rừng đặc dụng” đã mang lại những hiệu ứng tích cực, giúp dân bảo vệ rừng.
Gần nửa thế kỷ ở rừng, anh Đán Văn Khoan, một thời là xạ thủ khét tiếng ở xã Tùng Bá (Vị Xuyên, Hà Giang) chỉ biết vào rừng săn voọc và đốn hạ gỗ để sống.

Thế nhưng, kể từ khi mô hình “đồng quản lý rừng đặc dụng” được triển khai, anh Khoan đã biết cách khai thác rừng mà không cần phải dùng đến súng kíp, cưa gỗ.

Tàn phá rừng già

Kể với phóng viên Vietnam+, anh Khoan bảo mình chỉ là một trong hàng ngàn người từng nghĩ rằng, chỉ có cách vào rừng cướp gỗ, săn bắn động vật quý như voọc, hay một loại lâm sản nào đó ở rừng mới duy trì được cuộc sống.

Theo lời anh, trước kia voọc nhiều lắm, có khi tới hàng trăm con. Cũng vì nghe tin truyền “mật voọc có thể chữa được nhiều bệnh về xương khớp,” nên Khoan cùng đám bạn ngày nào cũng hì hục mang sung kíp vào rừng hạ voọc, lấy mật để bán...

Giống như Khoan, trước năm 2010, ông Lý Văn Tình ở thôn Nà Lòa, (Tùng Bá, Vị Xuyên, Hà Giang) cũng chỉ biết sống dựa vào rừng. Tuy nhiên, vì sống một mình nên ông vào rừng chỉ để hái rau cỏ dại, hái măng về ăn.

Ông Tình nói rằng, trong nhiều chuyến vào rừng, chứng kiến cảnh lâm tặc thẳng tay đốn hạ những cây gỗ cổ thụ hay dùng súng kíp săn bắn loài Voọc có trong sách đỏ, lòng ông lại nhói đau.

“Ngày đó, lâm tặc vào rừng cướp gỗ, hạ voọc nhiều lắm. Thời điểm ‘nóng’ nhất như năm 2003, mỗi ngày có tới hàng chục đoàn người theo các con đường mòn vào rừng phá hoại rừng già không thương tiếc," ông Tình nói.

Để bảo vệ rừng, ông Tình đã nhiều lần liều mình ngăn chặn lâm tặc, nhưng những cố gắng đơn độc của ông cũng không thể chống lại những trận “mưa đá” từ trên cao của những kẻ đi săn.

Đồng quản lý để cứu rừng

Trước sức ép phá rừng và săn bắn voọc vật sách đỏ diễn ra phức tạp tại các khu rừng đặc dụng, năm 2010 Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã (FFI) và Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) đã phối hợp thực hiện dự án thí điểm “đồng quản lý rừng đặc dụng” tại ba tỉnh Hà Giang, Yên Bái và Hòa Bình.

Dự án cũng nhằm nâng cao ý thức và tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình khai thác lâm sản ngoài gỗ, đảm bảo sự quản lý bền vững tài nguyên rừng; giảm thiểu tác động tiêu cực; phổ biến pháp luật, ngăn chặn lâm tặc…

Phó Giám đốc Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Mù Cang Chải (Yên Bái), ông Vàng A Lử nhận định, đồng quản lý rừng đặc dụng là mô hình quản lý mới, có sự chung tay của Ban quản lý, chính quyền và người dân địa phương.

Ban quản lý đã xây dựng và phê duyệt 6 gói tài trợ với số vốn 325 triệu đồng để tập trung cho hoạt động hỗ trợ dịch vụ nông nghiệp địa phương như cho các hộ vay giống, phân bón và sẽ thu lại khi đến vụ mùa.

“Tham gia đồng quản lý, người dân sẽ được nhận khoán bảo vệ rừng, thuê và trồng rừng trong phạm vi cho phép cũng như hưởng nguồn chi trả từ tổ chức FFI” ông Lử nói.

Anh Khoan giờ đã là thành viên tổ tuần rừng ở xã Tùng Bá, bảo rằng giữ rừng để nhận “tiền rừng xanh,” là điều anh chưa bao giờ nghĩ tới.

Giờ đây, mỗi tháng nhận 1.760.000 đồng từ phụ cấp tuần bảo vệ rừng, Khoan thấy việc tuần tra bảo vệ rừng cũng như hơi thở sống.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chế Tạo, (Mù Cang Chải- Yên Bái) ông Sùng A Tủa  thì nói, đồng bào ở đây 100% là dân tộc Mông, sống dựa vào tài nguyên rừng. Từ ngày nhận được “tiền rừng xanh,” ý thức bảo vệ rừng của bà con đã thay đổi hẳn.

“Để được nhận tiền từ rừng, mọi chủ rừng đều phải ký cam kết bảo vệ rừng với Ủy ban Nhân dân xã. Hàng năm, xã sẽ nghiệm thu chất lượng rừng để lập biên bản đánh giá rồi chuyển lên Hạt kiểm lâm, chuyển lên huyện phê duyệt hồ sơ trả chi phí dịch vụ cho bà con," ông Tủa nói.

Phó Giám đốc Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Mù Cang Chải thì đánh giá nhờ nguồn chi trả cho công tác bảo vệ rừng nên đời sống người dân ngày một nâng lên. Những vụ cháy rừng giảm hẳn, lâm tặc vào rừng chặt phá gỗ quý và săn bắn động vật quý cũng đã giảm đi nhiều.

Ông cũng kỳ vọng mô hình này sẽ được nhân rộng trêm toàn quốc để những cánh rừng được chính người dân bảo vệ, thoát cảnh "chảy máu" bấy lâu nay./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục